cỏ

cỏ

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2022

Nhớ trung thu xưa,

 Trung thu đã qua hơn một tuần , thế nhưng bâng khuâng thì vẫn còn đọng lại trong lòng.

Năm nay, có lẽ là năm đầu tiên trong đời Trung thu mình không bánh, không đèn, không kèn trống, và cũng không có ai ở bên cạnh. Tối Trung thu, nằm một mình trong phòng, cảm giác xung quanh trống trải, vô chừng. Căn nhà thấy sao lớn quá.


Rồi những hồi ức về Trung thu năm xưa ùa về sao thật vui. Cái thủa mà còn thiếu thốn đủ thứ, nhưng không bao giờ thiếu tiếng cười. 

Mình vẫn còn nhớ rõ hồi những năm 94 95, cái hồi mà pháo vẫn chưa bị cấm ở Việt nam. Không chỉ ngày Tết, mà Trung thu mọi người đốt pháo cũng nhiều. Nhà mình nằm ở phố thương mại, cứ mùa nào thức nấy. Đến những ngày này, không chỉ là sạp bánh, kẹo, đèn lồng mà còn những sạp pháo đỏ chót bày bán dọc con phố. Những pháo dài, hay pháo đựng trong hộp tròn tròn, giấy màu hồng điều thật bắt mắt. Trong ký ức mình vẫn còn nhớ một tối Trung thu năm ấy, khi mình mới chỉ có 4 5 tuổi,  cả nhà qua quán chè nhà bác Thanh đối diện, quán dưới gốc cây vông thật to, mà đã chặt đi từ thuở nào rồi, ngồi uống nước và thư thả hóng gió, ngắm nhìn phố phường người ta đi rước đèn Trung thu. Thành phố khi đó ít ánh đèn.  Và ánh pháo hoa rực rỡ trên bầu trời tối đó, lung linh như muôn vì sao. Bên dưới, dòng người qua lại, nói cười.


Cho tới những năm cấp 1 lông lống lớn một chút, mình được tự do chạy nhảy chơi quanh phố, không còn phải bố mẹ kèm cặp nữa. Những ngày giáp Trung thu, khu phố mình lúc nào cũng rộn ràng những sạp hàng bán đồ chơi, mặt nạ, đèn lồng, dưới những gốc vông già đã bị đốn bỏ từ đời thủa, không cách nào thấy lại được nữa. 

Ngày đó Trung thu trời thường đã se lạnh nhiều, lũ trẻ con cũng vào năm học. Tối tối, đứa nào cũng tranh thủ học bài thật nhanh rồi í ới gọi nhau ra chơi. Cứ loanh quanh mấy sạp hàng trung thu nhà hàng xóm, dưới gốc vông, bên sân hè, hay có khi là bày bán bên vỉa hè công viên bên đường. Trông hàng hộ, bán hàng hộ, nghịch một chút, chơi đuổi bắt, chơi trốn tìm. Ngày đó, phố xá cũng còn vắng ánh đèn đường, người qua lại sau 9h là thưa lắm, tĩnh lặng lắm. Có khi nghe rõ mồn một tiếng radio từ nhà nào đó mở lớn vọng ra ngoài phố. Thậm chí cả tiếng  phát ra từ tivi báo chương trình phim truyện buổi tối, sân khấu,... từ một nhà nào đó mà đám trẻ vô tình chạy ngang qua vọng ra tới cả đường phố. Thành phố về tối nhiều phần im ắng. Chạy nhảy nô đùa, gió thu thổi mướt, mặc manh áo cộc thì lạnh, nhưng khoác thêm tấm áo thì lại nóng. Thế nên đôi khi lại nghe tiếng người lớn quát lên về khoác thêm áo, nhưng mặc kệ cứ mải chơi mà thôi. Tiếng cười đùa rộn rã. Con phố nhỏ sáng tối vì thiếu đèn đường , chỉ có những ánh đèn tuýp yếu ớt hắt ra từ nhà dân, hay đèn neon tròn từ các sạp hàng bán. Thật bình yên.

Mình vẫn nhớ lần trông hộ hàng quán cho cô Hoàng, em chồng bác Thanh Hiếu bán phở bên kia đường, bày sạp hàng bán ở vỉa hè công viên đối diện nhà. Trời càng về khuya, gió thổi càng lạnh, xao xác phố phường, và lòng mình cũng lao xao mà một đứa trẻ thuở đó không thể tả nổi là gì. Cho đến bây giờ, mỗi khi nghĩ lại, những ngọn gió ngày đó vẫn như thổi quẩn quanh trong lòng mình, cồn cào, tiếc thương.


Ký ức về đồ chơi trung thu sớm nhất mình còn có thể nhớ là chiếc đèn lồng chạy pin con cá chép trên hoa sen . Hồi đó mẹ bán chè chập chiều tối, buổi trưa hay đầu chiều thường hay đi chợ để mua này mua kia. Mình vẫn nhớ rõ mình đã đòi mẹ nằng nặc, chiều đó trời cũng nắng hanh hanh, ngồi ngoài hè trước cửa chờ mẹ đi chợ về, chờ mãi chờ mãi để đòi mẹ đèo ra chợ mua. Cái đèn đó rước Trung thu được một năm rồi cũng xếp gọn lại 1 góc, trẻ em cả thèm chóng chán.

Rồi cũng có lần, mình nằng nặc đòi mẹ mua mặt nạ Tây du ký. Năm nào tivi cũng chiếu lại Tây du ký, và không một đứa trẻ nào không mê, muốn hóa thân thành nhân vật trong phim cả. Hôm đó ăn tối xong, nhớ là giờ cơm tối giường như mọi người cũng đều ở nhà mình để dùng bữa, phố phường rất im ắng, hai mẹ con dẫn nhau qua con phố bên cạnh, ghé vào sạp hàng Trung thu của cô người Nam định nhà có nghề làm những chú chim sẻ nhỏ rất đẹp gắn vào cành đào ngày Tết. Có những mặt nạ Ngộ không, Bát giới, Đường tăng, Quan âm, Tam tạng,... Chẳng hiểu sao mình lại chọn mặt nạ người hiền nhất Tam tạng mà không phải là Ngộ không? Khờ thật. Cái mặt nạ nhựa mỏng tang thôi, chẳng đáng bao tiền, mà với một đứa trẻ như cả một thế giới vậy.



Hồi đó bánh Trung thu chưa nhiều và bán tràn lan quanh năm như bây giờ. Chờ đợi cả năm mới có một dịp để thưởng thức. Gần sát nhà mình có hai hàng gia truyền là nhà bà Bài và bà gì thì lâu đã quên mất tên rồi. Nhà bà Bài bên phố Tống Duy Tân có cô con dâu mãi lâu sau này có làm bánh nướng bán các ngày rằm, nên mình được ăn bánh thường xuyên hơn. Tiếc là cô rồi cũng đi nhảy sông tự tử, chẳng còn ai làm nữa. Còn nhà kia bên phố Nguyễn Trãi, các ông con zai chỉ toàn chơi không ai làm, chỉ có các cô con dâu nai lưng làm mà thôi, rồi cũng tan đàn sẻ nghé đòi bán đất chia phần. Giờ chẳng còn lại gì. Những hôm Trung thu, mẹ phải thắp hương nên trẻ con cứ chờ, cứ ngóng mãi để được hạ lễ. Rồi cả nhà ngồi đó, cắt bánh cùng ăn. Ôi chao, cắn một miếng thôi, chẳng hiểu bao sự thèm thuồng trước đó đi đâu hết, ngán ngay lập tức. Đúng là trẻ em, có lẽ chưa thật biết thưởng thức cái vị cổ truyền.

....

Trung thu nay nhớ Trung thu xưa. Kỷ niệm thì vẫn mãi chỉ là kỷ niệm. Gía mà có thể quay về được nhỉ?