cỏ

cỏ

Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2018

Long mã ( Le Cheval-Dragon),

Long mã là con vật thứ hai trong Tứ linh.

Trong bài viết trước, chúng ta đã biết thứ mà nó mang trên lưng là những ký hiệu mà từ đó Phục Hi đã đồ ra Hà Đồ rồi từ đó soạn ra những ký tự, chữ viết đầu tiên được biết đến.

Vì lẽ đó, người ta thường vẽ Long mã với cuốn thư nằm trên lưng với hàm ý nó mang tới thế giới này nền văn minh qua những cuốn thư, một biểu tượng mang tính triết học cao.

Một số truyền thuyết địa phương kể rằng Long mã từ trên trời xuống. Nó có cái đầu của loài rồng và thân của loài ngựa, với các vảy bọc toàn thân. Người An nam dám cá rằng Long mã yêu mến muôn loài đến nỗi mỗi bước chân của nó đều rất dè dặt tránh làm tổn hoại đến các loài khác, dù là loài côn trung nhỏ bé nhất. Thậm chí cả cỏ cây nó cũng không bao giờ ăn khi chúng còn non.

Một cái tên khác của Long mã là Kỳ lân (licorne). 


Nguồn: Les symboles, les emblèmes et les accessoires du cultes chez les annamites, 1891, trang 30./

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2018

Lạc thư,

Lạc thư, trong tiếng trung gọi là Lo-chou, là một họa đồ huyền bí khác thường thấy đi kèm với Hà đồ. Người An nam thích trang trí nó ở trên mặt tiền ngôi nhà của họ với hai bên có thêm Đại cực Âm-dương nhằm xua đuổi những vận khí xấu. Cũng giống như người Hán, người An nam đã quên đi hoàn toàn ý nghĩa nguyên thủy của họa đồ này.


Sách Lễ-Ký cũng có ghi chép về Lạc thư nhu sau:

"Vào triều đại nhà Hà, nước lụt dâng cao, vua Vũ ra xem mực nước lụt thì ngay lập tức trông thấy một con rùa đang bơi trên mặt nước. Trên mai và trên các chi rùa được phủ bởi các chấm xếp theo hàng từ 1 tới 9. Con rùa có 9 chấm ở trên đầu, 1 chấm ở đằng đuôi, 3 chấm ở mạn sườn trái, 7 chấm ở mạn phải, 4 ở chi trên trái, 2 ở chi trên phải, 8 ở chi dưới trái và 6 ở chi dưới phải.

Quay trở về vương phủ, vua Vũ biên ra một bảng họa ký lại chính xác những gì ông trông thấy trên con rùa. Lấy cảm hứng từ đó, ông biên ra 9 chương của Thu-Kinh: phần đầu tiên gọi là Ngũ sự, phần thứ hai là Ngũ hành, phần ba là Tam đức, tiếp đến là Lục cực, Tứ chứng (Thư-trưng ? ), phần thứ sáu là Kêng-hi (sự biến mất của ngờ vực), phần thứ bảy là Bát chinh (tám bổn phận), phần thứ tám là Ngũ phúc và phần cuối cùng là Ngũ Ký.

Các chấm trên lưng con rùa xếp hình vuông. Vì vậy, các nhà hiền triết cổ đại gọi Lạc thư tượng trưng cho đất, vì theo họ, mặt đất có hình vuông.

Cả Lạc thư và Hà đồ được các thầy phép sử dụng để tiên tri về số mệnh cũng như sự kiện. Các sách binh pháp An nam có ghi chép lại cách bày binh bố trận dựa trên hình dạng Hà đồ và Lạc thư như sau: 

Cần 7,600 quân lính để dàn trận Hà đồ, tướng sẽ ở giữa trần đồ với 1,000 quân lính, phía trước lẫn sau sẽ là 4 quân đoàn, mỗi quân đoàn có 200 người; bên cánh phải và trái, tổng quân lính lên tới 5,000 người. Mỗi quân đoàn được đặt một tên riêng: Long (rồng), Tỵ (rắn), Dần (hổ), Nguyệt (mặt trăng), Vân (mây), Điểu (chim), Thiên (trời), Địa (đất),.. Mỗi quân đoàn phải theo dõi trống lệnh hoặc cồng lệnh. Quân lệnh được truyền ra bằng loa.

Nguồn: Les symboles, les emblèmes et les accessoires du cultes chez les annamites, 1891, trang 27./

Hà đồ


Hà đồ, trong tiếng Trung gọi là Ho-T'ou, là một trong những bảng vẽ khó hiểu trong Diệc Kinh (Y-King). Lấy cảm hứng từ Hà đồ, Phục Hi đã tạo nên những bảng họa đồ đầu tiên.

Một đoạn trích trong sách Lê-Ky, cuốn sách nói về thông điệp của các nghi lễ, có liên quan đến nguồn gốc của Hà đồ được dịch dưới đây:

"Dưới triều đại của vua Phụ Hi, mặt đất bao trùm bởi niềm hòa bình giữa muôn loài. Một ngày vị vua dạo chơi ngang qua hồ Đồ, ông thấy trồi lên mặt nước một con long mã (1) có thân được phủ bởi nhiều chấm kỳ lạ.

Trên đầu, nó có 7 chấm, trên lưng nó có 6, bên sườn trái có 8 và 9 nằm trên sườn phải. Vị vua liền ghi nhớ và suy nghĩ hồi lâu. Khi quay trở về cung đình, ông đã soạn ra một bảng vẽ lại các chấm trên lưng con long mã ông đã bắt gặp. Rồi từ đó, ông luận ra mà vieetts nên Diệc Kinh. Các chấm trên lưng con long mã xếp hình tròn. Cũng vì đó mà các nhà hiền triết thường gán Hà đồ với bầu trời, và các chấm xung quanh là các vì tinh tú."

Nguồn: Les symboles, les emblèmes et les accessoires du cultes chez les annamites, 1891, trang 26./

Thứ Tư, 27 tháng 6, 2018

Con rồng ăn chữ Phúc ( Le dragon qui tient le bonheur dans sa gueule)

Trong những niềm tin mê tín của người An nam, có một niềm tin khá thú vị được biết đến qua một huyền thoại được truyền lại, được nghe ở xứ Bắc kỳ như sau:

"Một thầy địa lý người tàu đến xứ An nam để hành nghề đã phát hiện một con rồng vàng nằm dưới một cái hồ sâu. Trên mình nó có một vài nhận dạng để nhận ra nó là loài rồng quyền năng hơn cả các loài rồng. Rồng được biết đến như là loài vật phân phát quyền năng và hạnh phúc xuống nhân gian. Khi người con trai đặt hài cốt của cha mình vào miệng loài rồng này, anh ta sẽ xưng vương. Thầy địa lý kia không biết điều này, và bởi vì không biết bơi, ông ta đã gói hài cốt cha mình thành bó, tìm kiếm quanh vùng một người thợ lặn giỏi để thuê lặng xuống đáy hồ với tiền công là một nén bạc nếu hoàn thành.

Hồ rất sâu, người thầy địa lý Trung hoa bắt đầu nản lòng vì chưa một ai hoàn thành được chuyến đi. Một ngày nọ, một chàng trai trẻ đến và ra điều muốn nhận thử thách. Người thầy địa lý đồng ý và hứa hẹn gấp đôi phần thường với sự hứng khởi. Họ hẹn nhau ngày hôm sau, ở mé hồ. 


Chàng thợ lặn trẻ này có mẹ là con người còn cha là một chú rái cá. Anh ta có kỹ năng bơi lội vượt trội. Với kỹ năng thừa hưởng từ cha, anh có thể bơi lội và nín thở dài ở trong môi trường nước. Anh sống cùng mẹ và cất giữ hài cốt của cha ở trong một chiếc hộp. Hôm đó, hai người họ tán nhỏ xương người cha ra, trộn cùng bột tẻ và mang làm bánh. Ngày hôm sau, chàng thợ lặn cầm theo chiếc bánh đó bên mình, đến trước mặt thầy địa lý người tàu mà nói rằng : "Chuyến đi hẳn sẽ dài và khó khăn, cho phép tôi mang theo chút lương thực dự phòng."

Thầy địa lý người Tàu không chút nghi ngại, bắt đầu cười về sự lo xa đó rồi trao cho chàng thợ lặn trẻ bó hài cốt của cha ông ta. Chàng thợ lặn nhận lấy và bắt đầu chuyến đi.

Khi lặn xuống tới đáy hồ, chàng thợ lặn trông thấy cái đầu của con rồng vàng đang lè một cái lưỡi rất lớn ra. Anh ta dành thì giờ quan sát xung quanh và thấy một tảng đá. Nhấc tảng đá lên và đặt bó xương của người cha thầy địa lý kia xuống dưới tảng đá đó, còn chiếc bánh anh mang theo mà được làm từ phần xương tán nhỏ của cha mình, anh đặt vào miệng của con rồng. Con rồng khép miệng lại ngay tức thì.

Ngay khi đón chàng trai trẻ trở về, người thầy địa lý vui mừng và đưa cho anh phần thưởng như đã hứa hẹn, rồi lập tức hồi quốc mà chờ đợi ngày được lên ngai vàng. Và hẳn ông ta sẽ vẫn còn chờ đợi cả ngàn năm nữa nếu cái chết không đưa ông đi. Còn chàng thợ lặn kia trở thành vua, trị vị từ năm 968 tới năm 980 dưới tên Đinh Tiên Hoàng (1)."

Người An nam còn thường kể rất nhiều những truyền thuyết tương tự. Họ tin chắc rằng việc mai táng cha mẹ, nếu không phải trong miệng một con rồng, điều là đặc quyền cho một số lượng rất ít người ấy, thì ít nhất chỉ cần ở vị trí long mạch thôi, cũng có thể đảm bảo cho con cái sự giàu sang và hạnh phúc. Và cũng bởi vậy, các thầy địa lý thường tra cứu để định vị những chỗ đất tốt cho mai táng(2). Không khó khăn để thấy rằng nhiều người An nam mệt mỏi vì chờ đợi niềm hạnh phúc đó với suy nghĩ đã chôn cha mẹ ở thế đất xấu, họ đào mộ cha mẹ lên và chôn cất lại ở một nơi khác.

Hình số 6 (hình trên) diễn tả cho niềm tin này. Con rồng luôn nhìn thấy chính diện, không có thân hay đuôi, chỉ thấy đầu và móng vuốt phía trước, trong miệng là chữ Phúc.

Trong thời đại quan lại, biểu tượng trang trí này bị cấm ở tư thất. Ngày nay, biểu tượng này được trang trí ở các đầu hồi nhà và cửa chùa hay cung điện. Đôi khi là trên mái còn của các cửa sổ tròn hay ô-van mà lỗ trổ cửa như là miệng con rồng đang ngáp.

Người ta cũng vẽ lên tường, thêu lên màn trướng hay trên một số y phục của đoàn rước biểu tượng này.


(1)Đinh Tiên Hoàng, người thiết lập trở lại chế độ phong kiến Việt nam sau ngàn năm Bắc thuộc. Ông thiết lập kinh đô ở gần nơi ông sinh ra, tại Hoa Lư, Ninh Bình, cho xây dựng những lâu đài cho gia đình cùng những hệ thống phục vụ dân sinh và quân lính. Hiện, nền móng của kinh đô thời đại này vẫn còn tồn tại, mà ngày nay là các làng Trường Yên Thượng, Trường Yên Hạ thuộc xã Trường Yên và Trung Trứ, xã La Mai. Tất cả thuộc huyện Gia Viễn, nằm bên dòng chảy nhỏ từ sông Phu Nho (nguyên văn sách gốc - ND) thuộc tỉnh Ninh Bình.
Lăng mộ vua Đinh nằm ở đỉnh Yên Mã Sơn, dốc đứng cho tới đỉnh cao 80m và rất khó khăn để leo lên. Đây là vị trí trung tâm của thủ đô thời đại này. Mộ của vua Lê Đại Hành, người toán vương triều nhà Đinh, lập ra nhà tiền Lê cũng nằm dưới chân của vách đá này.
Vào năm 1010, vị vua đầu tiên của nhà Lý cho rời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, tức Hà Nội ngày nay.

(2) Việc xác định địa lý để tìm long mạch là mối lo lắng lớn cho tất cả người dân An nam. Cho đến đầu thế kỷ thứ IX, một tướng người Hán tên Cao Biền tự xưng vương nước Nam đã phát hiện trong khu vực Thành Đại la (nằm gần Hà Nội) tai của Rồng. Ông ta cho đào tại vị trí này một cái giếng sâu rồi lấp đầy những cái kim và gai nhọn. Sau đấy, một cây cột bằng đá được đặt đè lên trên, phía trên là một ngôi chùa. Ngôi chùa được gọi là chùa 'mật', nằm ở mé ngoài thành Hà Nội.
Tuy nhiên, hành động kia của Cao Biền không mang cho ông ta sự trị vì mãi mãi. Các triều đại Lý, Lê luân phiên nhau, xây dựng những cung vua nằm trên trái tim và các bộ phận khác của con rồng, cùng các ngôi chùa trên vị trí đầu rồng. Cung vua nằm tại vị trí rốn rồng, là chính giữa của hoàng thành Hà nội.

Nguồn: Les symboles, les emblèmes et les accessoires du cultes chez les annamites, 1891, trang 21./

Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2018

Chữ Vạn , (La croix gammée)

Chữ Vạn là một thể cổ xưa của chữ thập, của thánh giá. Chữ Vạn được gọi là swastika(1) , biểu tượng Phật giáo của sự giác ngộ tối cao, là biểu tượng của lời chào. Biểu tượng này cũng được những người đạo Bà-la-môn sử dụng trong suốt chiều dài  lịch sử, đại diện cho Arani, xuất hiện trong nhiều đoạn kinh ca tụng trong kinh Védas (kinh Vệ đà) và được sử dụng để tạo ra lửa. Nó vốn dĩ là một dụng cụ cấu thành bởi hai mẩu gỗ đan chữ thập vào nhau có các đầu gập khuỷu nhỏ về phía bên phải nhằm cố định dụng cụ vào giữa đinh đồng. Ở giữa có một lỗ nhỏ dùng để cắm gậy có đầu nhọn và làm quay nhanh, chuyển động quay đó làm cho lửa xuất hiện (divin feu, Agni). Công cụ này cùng chức năng của nó đã trở thành nguồn gốc của rất nhiều huyền thoại về sau.


Những người đạo Hin-đu khắc swastika, biểu tượng của sự giác ngộ tối cao, lên ngực của các pho tượng Phật.

Các thầy chùa An nam tiếp nhận và tôn sùng biểu tượng này mặc dù không hiểu ý nghĩa của nó. Họ gọi đó là chữ Vạn thiên trúc, có nghĩa là chữ Vạn (10,000) của miền đất Ấn độ với lời giải thích cho sự hiện diện của nó trên các pho tượng Phật như sau:
"Một ngày nọ có kẻ gian ác đã đâm mạnh vạo ngực của Đức phật. Việc làm đó đã để lại trên ngực ngài một vết sẹo vĩnh viễn. Vết sẹo đó tạo thành hình chữ Vạn."

Swastika được dùng rất phổ biến trong trang trí ở Bắc kỳ. Những pan-nô thường được trạm trổ theo hình swastika. Những người phụ nữ tộc người Man sinh sống trên núi Ba vì khu vực sông Đà và rải rác ở các vùng đồi núi miền Bắc phục sức những bộ đồ được thêu thành hàng biểu tượng swastika màu đỏ và trắng trên nền vải bông xanh lam.

Nhiều loại lụa của người Annam cũng như các sản phẩm mây tre đan được thể hiện những họa tiết duyên dáng với mô-típ trùng lặp bởi swastikas tạo hàng và nối tiếp.

Họa tiết này cũng phát tích từ người Hin-đu, người An nam gọi nó là dương-phang (2). người Hin-đu gọi là nandâvartaya, một từ tiếng Phạn có nghĩa là "vòng cuốn sung túc" (enroulement fortuné).

(1)Swastika là một từ tiếng Phạn có cấu tạo từ như sau:
Su (hay sw) có nghĩa là tốt đẹp, tuyệt vời
Asti : (ngôi thứ 3 số ít) thì hiện tại của động từ 'as' (to be, être)
Ka : tiếp tố của các từ trừu tượng
swastika có nghĩa là 'điều tốt đẹp, điều tuyệt vời'
(2)Chép lại theo cách người Pháp chép, mình không rõ từ tiếng Việt là gì nên vẫn để nguyên chờ bổ sung sau.

Nguồn: Les symboles, les emblèmes et les accessoires du cultes chez les annamites, 1891, trang 18./

Thứ Năm, 21 tháng 6, 2018

Âm Dương ;

Người hoa gọi nó là Tài ký (Tai-ky, có lẽ tác giả người Pháp phiên âm trực tiếp từ tiếng Hoa, , 太極,thái cực (ND)),  người An nam thì gọi chúng là Đại cực (Grand Extrême).

Đó là một vòng tròn được chia làm hai nửa, một đen một trắng đối nghịch quện vào nhau.

Biểu tượng này thể hiện hai luồng chảy tương phản, cái tốt và cái xấu, nóng và lạnh, động và tĩnh,... mà từ đó sự kết hợp giữa chúng tạo nên vạn vật.

Nó là một sự phát sinh mang tính đối ngẫu mà ta cũng bắt gặp trong kinh Vệ đà (les Védas) hay trong kinh Avesta và thậm chí là cả nhiều học thuyết của các triết gia Hy lạp. Chúng ta cũng thấy hình ảnh Âm dương này ở một số sắc tộc khác ở khoảng cách địa lý xa so với Trung quốc. Điều đấy là minh chứng cho sự hiển nhiên rằng đây hoàn toàn là một biểu tượng cổ xưa của loài người.

Vòng tròn tượng trưng cho bầu trời, hai xoáy đen - trắng là ngày và đêm, chúng hòa quyện và tương hỗ cho nhau xoay quanh một trục. Sự quay vòng này kéo theo sự thay đổi luân phiên giữa bóng tối và ánh sáng. Hai chấm nhỏ, một màu trắng cho xoáy đen, một đen cho xoáy trắng, tượng trưng cho mặt trời và mặt trăng; sự xoay chuyển sinh nóng và lạnh. Hai chấm tròn này cũng tựng trưng cho sự sống và cái chết.

Tiếp nối người Trung hoa, người An nam xây dựng hệ thống thiên văn học, triết học, trừu tượng học, hóa học, trị liệu học, thuật bói toán... dựa trên sự xoay chuyển của hai dòng chảy Âm dương. Cuốn sách cổ đại của Trung quốc, Diệc kinh (Y-King)(1) dường như là một văn bản rất mơ hồ về đề tài này.

Có thể nói khá chắc chắn rằng biểu tượng cổ đại này được truyền đến người Trung hoa bởi những tộc người đầu tiên sinh sống ở vùng đồng bằng trung tâm châu Á và sơ khai nó chỉ là hình ảnh chúa trời của người Aryen.

Người Aryan tôn thờ bầu trời (Dyaus)(2). Những bản đồ về bầu trời mà người ta tìm được trong các thư tịch cổ đại của Trung hoa chỉ ra một sự tương đồng đáng kinh ngạc với hình ảnh Đại cực (hay Âm dương). Trên những bản đồ này, vòm trời là hình tròn (Trời tròn đất vuông trong tư tưởng cổ điển) được chia ra làm đôi bởi một đường có hai phần uốn cong đại diện cho đường ngân hà. Cũng chính tại nơi đó sẽ phân định vòm trời với nửa sáng nửa tối. 

Các thầy phù thủy người An nam luôn mang bên mình một cái la bàn tàu và một tấm thẻ bài Âm dương bằng gỗ được sơn xanh, đỏ để có thể nhận được lời "bề trên". Thẻ bài âm dương đó được vẽ xung quanh bát quái (diagrammes de Phuc Hi).

Một vài ngày trước Tết trung thu (Fête des lenternes, Tết des enfants), ở Hà Nội, người ta làm và bán vô vàn những món đồ chơi mà không dễ gì một thời điểm khác trong năm lại có thể tìm thấy được. Đó là những chiếc đèn kéo quân bằng khung tre phủ ngoài bởi một lớp giấy mà hai mặt được tô vẽ hình Âm dương. 

Người dân dùng hình ảnh Âm dương trong trang trí nhà cửa để hút vận may. Đôi khi, Âm dương được trang trí cùng bát quái (diagramme de Phuc Hi, diagramme de Ha Do, diagramme de Lac Thu (5)). Trên vải vóc, người An nam thường thêu Âm dương và hai con rồng, được gọi là Lưỡng long chầu nguyệt (les deux dragons qui se disputent la lune).

Cũng như chữ Phúc Thọ cùng chữ Vạn, Âm dương là một biểu tượng được ưa chuộng bậc nhất ở vùng viễn Đông này.

(2) Người Aryan tôn thờ bầu trời như là mẹ của vạn vật tồn tại. Họ gọi bầu trời là dyaus-pitar có nghĩa là Bầu trời, người cha (Ciel, Père). Diaus trong nền văn minh Hy lạp chính là thần Zeus (Ζεύς). Gốc của từ Dyaus là div hay diu có nghĩa là tỏa sáng, từ Aryan dyaus-pitar đã biến thể thành một từ trong tiếng latin sau này là Diespiter, Jupiter. Trong tiếng Phạn, từ biến thể của dyausdivas mà sau này nó trở thành divas có nghĩa là ban ngày.  Từ một từ gốc Aryan nguyên khai có nghĩa là bầu trời, là ánh sáng, là ngày đã biến thể trong các nền văn minh xuyên suốt từ Ấn độ cho tới Âu châu tạo ra các từ để nói về bầu trời, về đấng trên cao.

Nguồn: Les symboles, les emblèmes et les accessoires du cultes chez les annamites, 1891, trang 13./

Thứ Tư, 20 tháng 6, 2018

Phúc, Thọ ( Bonheur et Longétivité)

Chữ Phúc và chữ Thọ là hai biểu tượng rất phổ biến ở vùng viễn Đông.

Chúng ta có thể bắt gặp nó nhiều nhất là thêu, trạm, khảm, vẽ trên đồ gốm sứ, quạt, giày, vật dụng, tường nhà, y phục, tranh vẽ, quan tài,...

Cửa sổ có khuôn được làm bằng gạch nhưng phần mộc của cánh cửa hay song cửa được làm bằng gỗ theo hình những chữ này. 

Người ta thường tô vẽ hay cắt các chữ này bằng giấy màu đỏ, màu sắc của may mắn và dán chúng lên tường, vách nhà ở hay chùa chiền. Chúng cũng được gửi tặng tới bằng hữu hay thân quyến. Trong vườn, các cây trồng hay chậu hoa được cắt tỉa hình chữ Phúc hay chữ Thọ. Thậm chí cả các bể, hồ nước tạo cảnh cũng vậy. Chữ Phúc và chữ Thọ được sử dụng vô vàn trong đời sống thường nhật.



Ngoài ra, đi kèm với hai chữ trên ta thường thấy có thêm chữ Lộc (emploi lucratif).

Vào dịp Tết Việt nam, trên những bức tranh mà người ta có thói quen mang tặng bạn bè, bố mẹ hay trên những ô cửa, tường nhà, ta thường thấy hình ảnh một ông già râu trắng ôm trong hay ở trên vai một quả đào, một quả hạnh và một chùm nho được viết chữ Phúc Thọ lên trên.

Chùm nho tượng trưng cho phúc bởi số lượng hạt giống mà một chùm có thể cho. Với người An nam, một gia đình chỉ hạnh phúc khi là một gia đình đông con cháu với sự phồn vinh bền lâu. Bởi vậy, khi tặng ai chùm nho sẽ mang ý nghĩa là Chúc gia đình sinh năm đẻ bảy và các thế hệ sau nối bước thế hệ trước (Puissiez-vous multiplier votre famille et vos descendants comme la grenade multiplie ses graines)(1).
Tính biểu tượng của quả đào được biết thông qua một truyền thuyết: Người An nam nói rằng trên bầu trời có một vườn đào với các quả đào được kết tinh cả ngàn năm, có những quả sáu ngàn năm mới chín. Ai ăn được một trong những trái đó sẽ có thể trường thọ cùng đất trời. Người ta gọi đó là những trái đào tiên, 

Gỗ đào cũng trở thành một trong những loại gỗ mà người ta dùng làm các vật dụng có tính tâm linh, nó có thể xua đuôi được ma quỷ; hoa đào là biểu tượng của suối nguồn tươi trẻ và trinh tiết người phụ nữ, và trái của nó là biểu tượng của hạnh phúc.

Chữ Phúc và chữ Thọ  được trang trí phổ biến, nhất là trên những cổ vật được viết theo lối triện tròn hoặc vuông hoặc theo hình lọ hoa. 

Ngoài hai chữ này, trong hệ thống biểu tượng xứ Bắc kỳ, có nhiều hình ảnh khác cũng thượng trưng cho Phúc trong gia đình. Hình ảnh con gà trống được dán lên cánh cửa để xua đổi ma quỷ. Đó là một niềm tin lâu đời mà tương tự như ta thấy ở Pháp quốc, khi tiếng gà gáy sáng, những bóng đêm tăm tối sẽ bị xua đuổi. Khakespeare cũng từng viết về niềm tin này trong chương một của vở kịch Hamlet. Ở xứ viễn Đông, con gà trống là biểu tượng của mặt trời bởi nó gáy sáng gọi mặt trời lên ở phương Đông. Điều này mở ra ánh sáng, sự sống trên toàn nhân gian. Bởi vậy, người ta thường cúng ba con gà trống vào đầu mùa xuân, là rạng đông của một năm mới. Trẻ em đến thầy học chữ buổi đầu lúc nào cũng biếu thầy một con gà trống với hàm ý để được thầy khai sáng, đẩy lùi sự dốt nát, mở ra chân trời học thức. Niềm tin này cũng giải thích lý do tại sao  lại ăn trứng vào mùa xuân, hay lễ Phục sinh lại có trứng ở nhiều dân tộc trên thế giới như người Ba tư, người Ai cập, người Do thái. người Hy lạp, người Nga, người Trung quốc,...

Những bức hình con gà trống được dán trên cửa vào dijp đầu năm có đề theo vài khổ thư chữ Nôm:

(*Mình đề bản gốc tiếng Pháp và bản dịch mot-à-mot, bản gốc tiếng Việt sẽ được bổ sung một khi mình tìm được ở đâu đó). - ND

Le coq a cinq vertus, comme le phénix,
Son front est surmonté d'une petite montagne;
Son chant disperse les mauvais esprits,
Son image à la porte assure une longue et paissible existence.

Dịch nghĩa:

Con gà trống có năm đức, như chim phượng hoàng,
Nó trèo lên một đỉnh cao,
Cất tiếng gáy xua đuổi những u hồn,
Hình của nó dán ở cửa mang đến một cuộc sống trường thọ và an bình.


Ở nhiều vùng xứ Bắc kỳ, quanh khu vực sông đà, người ta cũng dán lên cửa hình một con lợn trên mông được trang trí một Tài kỳ (Đại cực).

(1)Người An nam và  người tàu là những dân tộc mắn đẻ nhất thế giới. Đặt biệt ở vùng viễn Đông, trẻ em lúc nhúc và không một nơi nào khác nữa nơi mà các quan hệ họ nội, họ ngoại, cha mẹ con cái lại phức tạp sánh bằng. Việc giết đứa trẻ mới được sinh ra chưa bao giờ được ghi nhận ở Bắc kỳ. Với những gia đình bần hàn, họ bán con mình đi. Tuy nhiên việc làm đó không phải là để giải thoát bản thân họ hòng kiếm vài đồng bạc lẻ, ngược lại cần được xem xét với mục đích duy nhất là giúp cho đứa trẻ thoát khỏi cảnh đói nghèo của gia đình và đảm bảo được sự sống.
Trong điều kiện như vậy và theo cái tư tưởng mà tượng trưng bởi chùm nho, vào thời bình, dân số An nam đã gia tăng một cách đáng kinh ngạc.
Trung hoa có một nửa tỷ người (thống kê cuối thế kỷ 19 -ND)  phát triển từ một bộ tộc vốn chỉ có trăm gia đinh. Trong lịch sử như chúng ta đều biết, một lượng lớn người Mãn châu bại trận dưới tay người Hán và bị đồng hán hóa. Một phép tính đơn giản hơn nữa chính là giả dụ mỗi cặp vợ chồng có 2 con, nếu mỗi người con này kết hôn và lại có 2 con, như vậy chúng ta có 4 đứa trẻ ở thế hệ F2, 8 ở thế hệ kế tiếp, 16 ở thế hệ tiếp theo,... Trên cơ sở đó, chúng ta có thể ước tính tới con số 112 từ một cặp thế hệ đầu tiên sau 2 thế kỷ, 1,992 sau ba thế kỷ, 31,912 sau bốn thế kỷ, 511,792  sau năm thế kỷ, 8,188,672 sau sáu, và 32,650,688 sau bảy thế kỷ. 

Nguồn: Les symboles, les emblèmes et les accessoires du cultes chez les annamiate, 1891, trang 07.

Thứ Ba, 19 tháng 6, 2018

Lọng (Les parasols)

Lọng được chia làm hai chủng theo màu sắc, màu vàng và màu xanh lục.

Màu vàng chỉ dùng cho nhà vua và các vị thần, màu xanh lục dành cho quan lại triều đình.

Trong đó, lọng dùng cho quan lại lại có sự phân chia khác nhau.  Quan được dùng bốn lọng có quan Kính lược (vice-roi), quan  Tổng đốc  và quan Tuần phủ, quan  Thống chế.

Quan được dùng 2 lọng có quan Án sát, quan Bố chánh, quan Đề đốc và quan cấp dưới liền kề (Chánh lang, Phó lang,...)

Quan được dùng 1 lọng là quan Tri phủ  và quan Tri huyện, quan Cái tổng, Bằng biên, Thượng biên,...Hòa thượng; Đồng quan; Đốc học;  hiệu trược các trường cấp tỉnh và cấp huyện (Huấn đạo Giáo thơ).

Lọng được làm bằng giấy sơn đỏ, tự đóng - mở như là ô đi mưa ngày nay, cán được làm bằng tre. Phía bên trong lọng giấu một lưới những sợi chỉ màu đỏ và trắng làm chỗ treo những chùm tua rua.

Một biến thể khác của lọng vải mà người ta gọi là tán. Tán không thể đóng lại được. Nó gồm một cái đai quấn tròn và rèm vải len màu, được thêu riềm và các họa tiết mang tính biểu tượng. Những hình thêu này thường là tứ linh, với các điểm nhấn là các đầu rồng. Tán chỉ được dùng cho vua và trong thờ phượng. Trong các đám rước, người ta che cho vua hay che cho mộc chủ bằng tán. Đôi khi, cán lọng/ tán không nằm ở giữa mà ở biên, người ta gọi đó là quất vả. 


Lọng là một trong rất nhiều sản phẩm đặc biệt của Hà Nội, được phổ biến bởi sự bành chướng của phố Thợ thêu (Rue de brodeurs). Vào hồi mới xuất hiện, những người thợ rút về sau khoa cửa và tạo nên những mô hình phường hội cùng nhau sản xuất lọng.

Đối với dân thường, họ không thể chi trả cho một món đồ sa sỉ đắt đỏ và bị cấm như lọng, mà tự bằng lòng sử dụng ô hay dù. Họ đi dạo trên những con đường với một chiếc ô khi trời đẹp, và với một chiếc dù khi trời đổ bóng. Lọng cũng xuất hiện trong một điệu hát tình nhân của người An nam như sau:

Je veux acheter pour vous de beaux vêtements de soie,
Une tunique légère et transparente,
Un pantalon épais et soyeux,
Une ceinture rouge, un parapluie,
C'est ainsi que je vous aime.

Tạm dịch:

Anh muốn mua cho em một bộ áo lụa thật đẹp,
Một chiếc áo choàng thật nhẹ và trong suốt,
Một chiếc quần dày và mướt,
Một đai yếm thắm, một chiếc lọng,
Và anh cũng yêu em...

*) Bản tạm dịch này không sát với lời hát thật sự từng có do đã qua hai cầu, nên phần từ lẫn nghĩa có thể bị đổi ít nhiều. Bạn nào có lời Việt đã từng được hát ở Bắc kỳ độ đó, mình rất vui lòng nhận được bổ sung góp ý.


Nguồn: Les symboles, les emblèmes et les accessoires du cultes chez les annamiate, 1891, trang 119.

Bát bửu (Les huits précieux)

Bát bửu là từ bị đọc trại của Bát bảo (les huits précieux) gồm tám bảo bối được gắn trên một cái cán :
  • Một đôi sáo
  • Một đàn tì bà
  • Một lẳng hoa
  • Một cây quạt ba tiêu
  • Một pho sách
  • Một cuốn thơ
  • Một khánh
  • Một quả cầu (hồ lô) 

Không có quá khăn đẻ nhận ra ý nghĩa tượng trưng của các món đồ này. Cây sao, đàn tì bà và chiếc khánh chính là âm nhạc, là niềm hoan lạc con người hưởng thụ qua lỗ tai. Chúng đại diện cho ba trong tám  chất liệu âm thanh là: lụa, gỗ, kim loại, đất nung, tre, da và đá. Ngoài ra, chúng ta cũng thấy được rằng ngày nay khánh chỉ được lưu giữ ở trong đền chùa chứ không còn là một loại nhạc cụ trong đời sống nữa. Tuy nhiên, trước đây, nó đã từng đứng hàng trên trong các loại nhạc cụ.


Lẳng hoa tượng trưng cho sự hồi sinh của thiên nhiên sau mùa đông, sự rộn ràng của sức trẻ, niềm vui sướng mà người ta có được bởi hương sắc. Cây quạt như làn gió hiền hòa thổi đi sức nóng mặt trời mùa hạ, nó thể hiện sự duyên dáng của người phụ nữ. Pho sách là một kho tàng bất tận của mọi sự khôn ngoan lẫn tri thức trên đời sống này. Cuốn thư  tượng trưng cho văn chương.

Qủa bầu  trong văn hóa phương Đông tượng trưng cho sự dồi dào, sung túc. Các thầy lang tàu thường hay để thuốc chữa bệnh trong các quả bầu nhỏ đã được làm rỗng trước, hoặc trong các lọ bằng thủy tinh có hình dạng tương tự. Với họ, hình ảnh quả bầu mang tính chất tâm thức như một loại quả có khả năng trị liệu. Một phong tục cổ xưa mà ngày nay vẫn tồn tại ở Trung quốc, được dùng cho lễ thành thân, hôn lễ là uống cạn một nửa bôi rượu sau đó tân nương tân lang trao đổi ly rượu và uống cạn nửa còn lại. Những chiếc bôi được dùng trong lễ này được làm bằng sứ và buộc lại với nhau bởi một sợi lụa đỏ, tượng trưng cho hạnh phúc. Trước kia, bôi rược này được làm mô phỏng theo hình quả bí hoặc quả bầu vát đi một nửa.

Qủa bầu cũng là một vật mang lại may mắn. Nhiều người hoa thường đeo bên sườn trái một quả bầu nhỏ làm bằng gỗ liễu. 

Vào lễ Tết hay Tết Trung thu,  ở xứ Bắc kỳ, người ta bày bán la liệt những chiếc bùa nhỏ bằng lụa ngũ sắc: vàng, xanh lá, đỏ, trắng và xanh lục. Những chiếc bùa này được dùng bằng cách buộc vào cúc áo của trẻ nhỏ hay được đeo vào cổ. Nó được cấu thành bởi một mẩu gương tròn nhỏ, một bông hoa sen, một quả phật thủ (main de Bouddha) , một quả đào, một mẩu đá đỏ, phần lớn được cắt tạo hình con lợn con và một quả bầu.

Qủa bầu cũng được xếp là một loại nhạc cụ.

Ở mỗi ngôi làng, người ta giữ một bộ Bát bửu cũng như một bộ binh khí và Đồ lỗ bộ trong đình làng, hoặc đền, miếu thờ. 

Những vật này được chấ tạo bởi ba phương cách khác biệt:
  1.  Bằng gỗ trạm trổ, sơn thiếp;
  2. Bằng thiếc
  3.  Dưới dạng nhìn thấu được và người ta thắp nến ở bên trong

Nguồn: Les symboles, les emblèmes et les accessoires du cultes chez les annamiate, 1891, trang 116.


Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2018

Đồ Lỗ bộ ( Les accessoires de cortèges)

(*) Lỗ bộ, viết đúng là Lỗ bạ, đọc trại thành Lỗ bộ. Dân gian gọi là Bộ lỗ.(ND)

Trong các đám rước và các đoàn quan đi, theo sau người mang cờ là đoàn người mang Lỗ bộ. Họ đều ăn mặc giống nhau với một chiếc áo choàng sát nách bằng len màu đỏ có viền thêu và đôi khi phía trên là các họa tiết trang trí, hoa lá, đầu rồng hoặc hổ.

Chiếc áo choàng này che đậy khá vụng về sự luộm thuộm bên trong bởi vì họ thường là những cu li nghèo nàn và rách rưới được thuê với vài ba đồng trinh cho đám rước.



Cũng chính họ là người mang đến cho đám rước một diện mạo đa dạng hơn khi mà trái ngược với vẻ hoàn toàn bần hàn đó lại là những vật dụng và áo quần của sự giàu sang. 




Đồ lỗ bộ được chia làm ba nhóm: binh khí và bát bửu mà thực chất mỗi nhóm gồm tám món.

Tám binh khí bao gồm  hai long đao là những lưỡi đao dài mài vát 2 phía với đỉnh uốn cong và bo tròn. Hai tứ nhị đao cũng tương tự như long đao, nhưng có tay cầm được làm dưới hình dạng một bông hoa bốn cánh. Hai đinh ba có điểm giữa hình lượn sóng. Một cái kích hay còn gọi là bán nguyệt. Một cái kích có lưỡi sáng bóng gọi là xà mâu.

Những binh khí này như một sự hồi tưởng về những binh khí cổ xưa của người An nam. Vũ khí gươm, kiếm,... của cướp biển cũng hoàn toàn tương tự vậy, chỉ khác là chúng có phần chắc chắn hơn.

Người ta cũng sử dụng hai chiếc cờ xí gọi là  Câu thìn  và  Tiết mão. Cờ này có xuất xứ từ bên tàu, được làm bằng vải lụa hoặc lông treo trên một cái cán được trạm trổ đầu rồng.

Các binh khí nhìn chung được làm bằng gỗ có sơn son thiếp vàng, các lưỡi đao, lưỡi kiếm được sơn màu sắt rất kỹ lưỡng đến mức khó phân biệt đồ sơn và sắt thật. Người ta đôi khi cũng làm chúng bằng sắt, nhưng rất ít vì kim khí rất khó để bảo quản ở xứ Bắc kỳ này. Trong những ngôi chùa giàu có, người ta cũng thấy những binh khí bằng gỗ có kích thước tương đương nhưng không dùng trong các đám rước.

Những đồ được gọi chung là Đồ Lỗ bộ, có nghĩa là " vật dụng dùng cho đám rước" , bao gồm bốn gươm trường ( long sabre)bằng gỗ sơn thiếp. Các thanh gươm này hơi cong như gươm của Phù tang, được cầm dưới cánh tay. Hai phu việt (?)(hache, rìu) bằng gỗ.(1) Một bàn tay cầm bút lông đại diện cho quyền công dân. Một nắm đấm tượng trưng cho quyền lực quân sự (vũ thứ). Hai tấm bảng sơn đỏ viền vàng với các chứ hán "tinh tuc" và "hui ti" có nghĩa là "cung kính" và "tránh đường".

Trong các ngôi đền đạo giáo và trên các bàn thờ của các pháp sư, từ thầy phù thủy, bà cô cho đến phu đồng, bà đồng,... đều có những vật dụng đặc trưng sau: một cái cờ màu đỏ cho lễ trừ tà, năm cờ lệnh nhỏ để triệu quỷ,hai cái búa gỗ, hai đồng trinh âm-dương và hai thanh kiếm gỗ. Những vật đó được dùng để xua đuổi những linh hồn xấu khỏi thân xác những người mà nó trú ngụ gây ra thành điên dại, bệnh tật, hạn xui,...

(1) Chiếc rìu bằng gỗ là một biểu tượng lâu đời ở Trung quốc. Sách Lễ có quy định việc sơn trên vải liệm của người mất cũng như các vật dụng dùng trong đám rước đám ma và trên ô lọng phía trên linh cữu, rìu sắt không mũi mang tính ước lệ, tượng trưng rằng sự sống bị cắt đứt.


Nguồn: Les symboles, les emblèmes et les accessoires du cultes chez les annamiate, 1891, trang 109.

Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2018

Cái võng (Le palanquin)

Généraux, officiers, guerriers, porte-étendards,
Qu'avez vous fait de votre courage?
On vous vit lâchement vous enfuir sans combattre;
Les dents serrées, l'âme prête à s'envoler de terreur,
Comme des poules chassées par une meute de chiens,
Tellement affolés, tellement éperdus, 
Que vous abandonnâtes, pour vous enfuir plus vite,
Vos sabres, vos fusils et jusqu'à vos chapeaux!
Vous avez mérité d'être accusé devant le trône!
Oserez-vous jamais monter de nouveau en palanquin?

(Những lời than thở của phụ nữ, một điệu hát bản địa được chép lại tại Hà Nội)

(*) ND - Đoạn trên mình chưa tìm thấy lời nguyên gốc bằng tiếng Việt, việc dịch lại một lần nữa ra tiếng Việt e làm mất đi nhiều phần nghĩa nên mình để nguyên tiếng Pháp theo sách cho tới khi tìm được lời gốc sẽ bổ sung sau.

Cũng như lọng, võng là một biểu tượng của uy quyền.

Võng nhà quan gồm có lưới được kết từ rất nhiều sợi dây gai mà có hai đầu mút được giữ bởi hai cái tà-vẹt hai đầu được làm bằng gỗ và sơn đen hoặc màu xanh cho các viên quan nội phủ như phu, huyện ; sơn đỏ cho các quan ở cấp trung như là Đốc học, Lãnh binh, An sát, Tổng đốc.

Lưới được buộc vào một tay đòn lớn làm từ giống tre đặc biệt có màu vàng như lông hổ mà người bản xứ gọi là tre hoa, hai đầu được bọc kim loại tôi kỹ. Hai con lân ở trên đòn tre chặn các sợi lưới chính của võng.

Một mái che rất thấp che toàn bộ võng. Mái che uốn cong và sơn thiếp, hai cánh đều có rèm vải màu và mành che.

Võng được khiêng trên vai bởi 2 người đàn ông bước đi rất nhanh có nhip điệu., hai người khác đi hầu theo sau mang theo hai cái chân đỡ võng (3 chân) để dựng võng mỗi khi nghỉ dọc đường.


Một hay vài người chạy phía trước võng, mang theo khí giới hay các vật dụng mang tính biểu tượng(1) , hay chạy lon ton bên cạnh võng với chiếc lọng che, và một đám người mang theo ống nước, khay trầu, ống nhổ,...và đi cuối đoàn là một người đi tay không.

Vợ quan An sát, quan Bổ chánh, quan Tổng đốc và các quan ngang hàng có quyền dùng võng nhà quan nhưng cái tà-vẹt trên võng không được phép làm bằng ngà, đòn tre cũng phải bị thay thế bằng một loại gỗ khác trạm trổ và sơn thiếp, mành che được trang trí bằng nhiều hình ảnh rực rỡ.

Vợ quan Huyện, quan Phủ và các chức quan khác phẩm thấp hơn không được phép dùng loại võng riêng biệt mà phải an lòng với loại võng thông dụng trong dân gian, được cấu tạo bởi một lưới vóng neo vào đòn tre và che phía trên bởi chiếu cói.

(1)Gươm hay kiếm có chuôi bằng ngà và trang trí tỉ mỉ bằng bạc, để trong bao gươm với mũi gươm giơ cao  cho các quan Tổng Đốc, Lãnh binh. Với quan Phu hay quan Huyện thì có phầm kém xa hoa hơn. Một cái gậy ba-toong lớn bằng gỗ lim kiểu cổ cho quan An sát.


Nguồn: Les symboles, les emblèmes et les accessoires du cultes chez les annamiate, 1891, trang 104.

Phướn,

Phướn, theo tiếng Phạn, là một lời khấn nguyện tôn giáo được viết bằng chữ hán trên một băng vải đỏ.

Dải vải này được thêu bao xung quanh nhiều màu sắc, phía trên đỉnh có đôi khi được thêu rất cầu kì, phía đuôi là một bông sen, thả xuống 5 dải chóp góc nhọn. Mỗi dải có 3 màu khác nhau.

Phướn được treo vào một thanh tre và là vật dụng bắt buộc cho các nữ tăng trong các đoàn rước.

Người ta cũng treo phướn trong các ngôi chùa, tuy nhiên với kích thước lớn hơn nhiều được làm bằng chất liệu giấy hoặc lụa. Những chiếc phướn được làm bằng lụa luôn được thuê rất công phu thể hiện các vị thần hay các ký tự mang tính biểu tượng. Trong các đám ma, những thân hữu ngoan đạo thường mang theo phướn với lời kinh tụng tới vị thần mà họ tôn kính đặt trên linh cữu hay trên nhà quan.



Những lời kinh tụng luôn bắt đầu bằng hai chữ hán , nam vu.  Từ này mang tính phiên âm từ chữ Phạn namo, có nghĩa là Xin chào (je salue, ave).

Namô Địa tạng Bồ tát
(Je salue le Boudhisatva Dia Tang)
Namô A di đà Phật
(Je salue le Bouddha Adida)
Namô Thích ca Mâu ni Phật  
(Je salue le Bouddha Tich-Ca-Mau-Ny (Cakya-Mouni)

Phướn được treo vào trượng pháp của các vị tăng ni trong các buổi trừ tà ma, làm phép. Các thầy phù thủy cũng như thầy tu bắc kỳ đều sử dụng phướn với niềm tin rằng linh hồn người đã mất có thể nhập vào phướn và làm nó di chuyển. Họ cũng tin rằng những linh hồn xấu ám trong người bệnh cũng có thể bị hút vào phướn.


Nguồn: Les symboles, les emblèmes et les accessoires du cultes chez les annamiate, 1891, trang 101.

Thứ Năm, 14 tháng 6, 2018

Ngai Long ( La chaise à dragons)

Ngai Long là một dạng ngai vàng không chân được đặt lên trên một bục đế được trạm trổ; nó được dùng trong các ngôi chùa thờ thần hay trong miếu văn để đặt những mộc chủ mà người ta thờ phượng lên trên. Tay ngai được kết thúc bởi đầu rồng, những chi tiết mang tính biểu tượng được thiếp vàng trên một nền sơn (ta) đỏ son.

Trong một số ngôi chùa Phật giáo, các vị thần được đặt đứng trên ngai long nhưng điều đó không phù hợp với tín ngưỡng tôn giáo khi mà các vị phật thường tọa trên đài sen, các vị bồ tát đứng hay ngồi trên vách đá. Sai lầm đó một phần  do sự thiếu hiểu biết của sư trong chùa, một phần là do ảnh hưởng của Lão giáo đến Phật giáo.


Phần lớn các pho tượng được thờ phượng trong Lão giáo đều được đặt trên Ngai long, đặc biệt là các vị trên Thiên đình: Ngọc hoàng - vua của bầu trời, ở tại chòm sao Đại hùng. Ngọc hoàng thường được thấy xuất hiện cùng hai cận thần là Nam tào và Bắc đẩu , tất cả đều ngồi trên ngai mà có chuôi tay kết thúc bằng đầu rồng.

Ngọc hoàng là vị thần tối cao theo Lão giáo với sự trợ giúp chính từ Bắc đẩu và Nam tào trong việc sự. Bắc đẩu phụ trách sổ sinh, Nam tào nắm giữ sổ tử. Người An nam cho rằng Bà Liễu Hạnh là con gái của Ngọc hoàng, bị đày xuống trần gian và kết hôn với một nhà nho. Ngọc hoàng được thờ phượng ở rất nhiều đền đài xứ Bắc kỳ.

Nguồn: Les symboles, les emblèmes et les accessoires du cultes chez les annamiate, 1891, trang 99.

Thứ Tư, 13 tháng 6, 2018

Mộc vị, mộc chủ (Tablette des ancêtres)

Là những tấm gỗ phẳng nhã nhặn được trang trí có khi cầu kỳ, đỉnh tròn nằm dựng đứng trên một cái đế hình vuông, chúng được sơn son với những chi tiết tâm linh được thiếp vàng; ở giữa có hai dòng chữ màu đen trên một nền giấy trắng. Dòng chữ bên phải cho biết tên họ, cấp bậc, phẩm chức của người quá cố, dòng bên trái là tên của người con trai thuộc phận sự thờ phượng.
Mộc vị phải được làm bằng gỗ cây táo (táo ta, jujubier) được chặt vào ngày lành tháng tốt. Kích thước lấy theo sách Gia-lễ : 4 đốt (pouces) chiều rộng tượng trưng 4 mùa trong năm, 12 đốt chiều cao tượng trưng 12 tháng một năm, 30 phân ( = 3 đốt) chiều dày tương ứng với 30 ngày một tháng. Thân bài vị phía trên dày 12 phân tương ứng 12 giờ một ngày(1) . Đôi khi, người ta để lên phía trên cao nhất của một vị một cái đĩa tròn nhỏ bằng gỗ dày 5 phân và cao 1 đốt gắn lên trên,

Mộc vị có 2 lỗ nhỏ ở hai bên tượng trưng cho 2 tai.

Trong tang ma, mộc vị được rước trước linh cữu, trong một cái long đình hay đặt trên linh tọa (table à offrande) mà rước đi. Vào lúc hạ quan, người con trai trưởng đến quỳ ở đuôi linh cữu, nối theo sau là anh em. Thân phụ/thân mẫu sẽ quỳ ở bên cạnh của huyệt. Người con trai trưởng nhận mộc vị một cách thành kính và kính cẩn đưa lên cao phía trên đầu mình. Vào thời khắc này, một nhân vật mà có chức sắc sẽ được lựa chọn để hoàn thiện mộc vị. Đây là nghi thức mà người ta tin rằng là cho phép một phần linh hồn người quá cố nhập vào mộc vị. Người này, thường được chọn lựa trong dòng tộc như là người có học thức và phẩm vị cao nhất, bước lên trước với một cây bút lông mực đỏ, nhận mộc vị từ tay trưởng nam, đặt nó lên trên bàn thờ vong và vẽ một nét (nét khí hoặc nét chấm) vào chữ mà vốn dĩ trước đó cố tình không viết hết. Kí tự đó nghĩa là "vương" hoặc "chủ" (roi ou maitre). Vào thời khắc đó, linh hồn người quá cố mới nhập vào mộc vị. Quan phụ mẫu (le parent lettré) kính chào mộc vị và đặt nó bên cạnh linh tọa để cho nam trưởng bái lạy.

Người ta chỉ lưu giữ mộc vị của 4 thế hệ trong nhà tính từ đời bố trở đi. Vào ngày giỗ hay ngày lễ lạt, mộc vị được xếp dịch ra phía trước của bàn thờ theo thứ tự từ trái qua phải như sau: Kỵ (trisaieul), Cụ (bisaieul, bisaieule), Ông/bà (aieul, aieule), Cha/me (père, mère).

Vào thường nhật, mộc vị sẽ được đặt trong khám thờ (étui de bois) phong kín(?)(2)

Khi một thế hệ mới được thêm vào, một nghĩa lễ sẽ được thực hiện bởi các thành viên trong gia đình. Bài vị đời cụ (trisaieux) sẽ được chôn xuống đất phía dưới bàn thờ tổ.

Các vị thần linh cũng có bài vị riêng trong các ngồi đền, tuy nhiên trên bài vị chỉ có một dòng chữ cho biết tên và phầm tước của người được thờ

(1)Người An-nam chia một ngày thành 12 giờ, mỗi giờ kéo dài 2 tiếng giờ đồng hồ Tây và được gọi là Canh. Thứ tự giờ Annam quy theo giờ Tây như sau:

Giờ Títừ 11h đêm tới 1 giờ sáng
Giờ Sửutừ 1h sáng tới 3h sáng
Giờ Dầntừ 3h sáng tới 5h sáng
Giờ Mãotừ 5h sáng tới 7h sáng
Giờ Thìntừ 7h sáng đến 9h sáng
Giờ Tịtừ 9h sáng đến 11h trưa
Giờ Ngọtừ 11h trưa tới 1h chiều
Giờ Mùitừ 1h chiều tới 3h chiều
Giờ Thântừ 3h chiều tới 5h chiều
Giờ Dậutừ 5h chiều tới 7h tối
Giờ Tuấttừ 7h tối tới 9h tối
Giờ Hợitừ 9h tối tới 11h đêm

(2)Chỗ này mình không hiểu lắm. Nguyên văn: les tablettes,recouvertes d'un étui de bois, sont renfermées dans une armoire spéciale. Nghĩa là đặt trong 1 cái bao bằng gỗ rồi cho vào một cái tủ đóng lại?(ND)

Nguồn: Sách Les symboles, les emblèmes et les accessoires du cultes chez les annamites, 1891, trang 95.

Đọc thêm:
(*)Theo sách Thọ mai gia lễ:

... rước thần trủ để lên trác tử, rồi đề lại : ông Tằng (ông ba đời) lên làm ông Cao (ông bốn đời), ông Tổ (ông hai đời) lên làm Tằng, ông Khảo (cha Tỷ mẹ) lên làm ông Tổ.

Xong đâu đấy, người tang trủ dước thần trủ đặt lên khám đằng tây, còn bỏ trống một khám đằng đông, để đặt thần trủ mới.

Đến sáng sớm ngày hôm sau, lại làm lễ khấn, dước thần trủ mới vào từ đường, rồi đem thần trủ ông ngũ đại đi trở ở bên cạnh mộ ông ấy, thế nghĩa là ngũ đại mai thần chủ. (mai có nghĩa là chôn, mai táng- ND).

Chỉ có ông Thủy tổ đầu tiên, hay là ông khởi tổ mới phát đạt có phong tước gì đóm thì trăm đời cũng chẳng đi đâu, để thờ mãi mãi.


Trống (Le tambour)

Nó có hình dạng thể cách nhất định cùng kích thước lớn với cấu tạo gồm bụng trống phình ra được tô vẽ rất cầu kỳ bằng sơn đỏ với họa tiết hình rồng cùng mây trời màu vàng. Mặt trống làm từ da trâu đực cũng được tô vẽ màu vàng và màu đỏ. Trống được gõ bằng một cái giùi trống bằng gỗ.

(Hình nguyên bản trích trong sách)

Những cái trống mà người An-nam đặt tên là trống cái hay trống đại lược thường được treo vào giữa một vòng tròn bằng gỗ buộc vào cái giá trống, ở giữa có 36 36 mối thắt với giá đỡ.

Trống được dùng trong các ngôi chùa để gọi người Phật tử và thông báo những buổi lễ Phật; dùng ở chốn quan trường; để đánh thức hoặc để ra tiếng cảnh báo.

Nó cũng được rước theo sau quan chức trong đoán rước để thông báo đến dân chúng chức phẩm viên quan; đồng thời dùng trong chiến trận để truyền quân lệnh.

Trong mỗi ngôi làng, một cái trống tương tự được dùng để gọi giới hương sắc tụ họp tại đình làng (maison commune).

Một loại trống khác, với hình dạng tương tự nhưng nhỏ hơn, thường dùng trong các ngồi đền hay trong các phòng xử án để ra hiệu. Nó cũng xuất hiện trong các dàn nhạc, trống phẳng (tambour plat) có 1 hoặc 2 giùi trống (trống phượng?) bằng gỗ lim.  Người ta sử dụng đồng thời 2 gùi trống để đánh lên bề mặt trống hoặc lên thùng trống để tạo ra những sắc độ âm thanh khác biệt hòa lẫn vào nhau.

Phía trước tất cả các đoàn diễu hành thường có một người cầm trống khẩu (tambour à manche?),  một tay cầm trống một tay cầm giùi gõ trống.

Nguồn: sách Les symboles, les emblèmes et les accessoires du cultes chez les annamites, 1891, trang 93-95.