cỏ

cỏ

Thứ Sáu, 1 tháng 12, 2023

Lại một mùa mưa,

Tối qua mình đi ngủ sớm hơn mọi ngày. Hơn 11h đêm đã nằm lim dim thay vì quá nửa đêm.

Mà y như rằng, cứ hễ hôm nào ngủ sớm, rạng sáng mình lại tỉnh giấc mắt thao láo mãi cơn say mới tìm trở lại. Đêm qua cũng vậy. Tầm 2h sáng mình tỉnh giấc, nghe ngoài trời tí tách nặng nhẹ. Vội lật chăn ấm ra, bước xuống giường đi qua khỏi cửa, nhìn qua cửa sổ hành lang ra bên ngoài. Trời đang mưa đêm. Từng hạt mưa bụi bay, li ti li ti trong không trung, qua ánh đèn đường nê-ông vàng vọt phả xuống mới nhìn thấy rõ được. Trời chuyển tiết rồi. 


Mới ngày vẫn còn nóng chỉ mặc manh áo vải, thế mà đêm đã se lạnh ngay, cùng mưa. Mặt đường ướt cả. Từng lùm cây phía dưới cũng ướt sũng, thẫm lại vì nước mưa. Miếng đất hoang bên kia đường, mưa nước đọng thành từng vũng nhỏ, phản chiếu ánh đèn đường loang loáng, rung rinh theo từng cơn gió mùa. Nhanh thật.

Mở nhẹ ô cửa kính cho gió đêm lạnh ùa tạt vào trên má, một cảm giác thật sảng khoái. Mà sao lòng cứ nặng nề. Trời đất bao la, gió trời lồng lộng. Nhìn bầu trời đêm mịt mờ trong cơn mưa bụi, mình những muốn là cánh chim bay lượn giữa màn mưa ấy. Cứ bay, rồi biến mất mãi mãi. Chẳng ai biết được bến bờ.

Đóng cửa lại, trở vào mềm cho ấm áp, mình nằm nghe tiếng mưa rơi bên ngoài. Tách, tách từng hạt, từng hạt một. 

Mình nhớ có một lần ở trường tổ chức đêm nhạc rock, trong sân trường. Trường Xây dựng thì nhỏ thôi, sân trường lại càng nhỏ, chẳng chứa được là bao. Nhưng nhạc rock sôi động, người người chen nhau hò reo, cả sân trường như vỡ òa, bao con người đam mê. Lần đấy mình chẳng thể nán lại lâu, vì nhà xa xe buýt muộn chẳng còn chuyến. Lúc mình về trời lạnh, chút mưa bụi bay. Từng bụi nước lơ lửng. Đọng trên tóc , mái tóc như phơi sương gió, bàng bạc. Đọng trên mắt, rồi vỡ òa ra trong ánh đèn đường như muôn ngàn vì sao rơi đọng lại trong mắt. Mình lúc ấy, ngây dại hứng từng hạt mưa bay, để thấy được sao trong mắt ấy. Đẹp đẽ, hồn nhiên biết bao. 

Mình nhớ câu hát , "Tôi đứng giữa ngả đường, chào đón gió mưa không chớp mắt". Không biết đã qua chưa cái thời khờ dại đấy? Chỉ thấy mình vẫn đứng đây, co ro dưới mái hiên, nhả từng ngụm khói bay về trời.

Mình từng đọc được đâu đó, Mưa bụi, dù đứng trong mái hiện cũng chẳng tránh khỏi ướt áo. Qủa thật, mưa cứ bay bay tới mọi ngóc ngách, mọi nơi chốn. 

Lòng người cứ liêu xiêu, rối như tơ vò, chẳng chỗ trú nào để nấp vào. 

Trong cơn mưa bụi bay mù mịt. 

Mưa về rồi, về cùng những nỗi buồn.

Không một chỗ nào để trú thân../






Thứ Tư, 22 tháng 11, 2023

Một ngày như mọi ngày,

 Thời tiết mấy bữa nay sáng và đêm se lạnh, trưa chiều nắng ấm nhiều. Thật đẹp trời.


Chỉ còn chục tuần nữa là Tết rồi. Qua nghĩ vậy, thấy giật mình một chút, nhanh thật. Mới đón cái Tết mèo chẳng được bao lâu, cảm giác nỗi buồn xuân qua vẫn còn đâu đây. Ấy vậy mà... 


Không hiểu sao, năm nay lại vậy, chẳng mong chờ Tết tới gần. Chỉ muốn ngủ vùi trong mùa đông lạnh cùng với những cơn gió trời miên man. Mùa xuân, và mưa, và ẩm thấp. Những đêm mưa xuân hạt rơi tí tách, chậm buồn trên lá, trên mái tôn nhà. 


Qua mình nằm, tự nhiên nhớ lại Tết của nhiều năm xưa. Những chiều cuối năm, từ trên ban công tầng 2, nhìn xuống phố phường tấp nập đông vui, thấy rộn ràng trong lòng biết bao; nào đào, hoa, quất, nào người qua kẻ lại, như mắc cửi. Những chiếc xe thồ chở cây quất đến là to giữa phố, mọi người xin nhường đường. Hay một chú xe lai chòng chành yên sau cái xe đạp một chậu đào thế, xung quanh đâu đấy có tiếng suýt xoa, đào đẹp quá. Tiếng loa phường, tiếng leng keng xe rác, đầy hối hả những ngày cuối năm. 


Chiều tối 30 Tết, nhà cửa dọn dẹp xong xuôi, bữa cơm cuối của năm cũng xong, hai mẹ con tản bộ ra chợ . Chưa tối mà trời đã nhá nhem, đèn nê ông chưa bật, người bán hàng với những gánh hàng nhỏ, ngồi trong bóng trời chiều , mặt rạng rỡ hay ủ dột, một năm sắp qua, mình cũng không nhớ rõ nữa. Nhưng cuối năm rồi, mà hàng sao chưa hết. Mình đi trong ánh trời chiều, cái se se lạnh, trong bóng tối, nhìn ngó những chút quà bánh phiên chợ cuối này, lòng bồi hồi, khấp khởi. Có khi mua được gì đấy, có khi không, chỉ là đi chơi chợ. 





Hai chữ đi chơi chợ, sao cứ mãi ám ảnh, hoài niệm trong mình cho tới giờ. Mẹ cho con 1 đồng con đi chơi chợ. Lạy mẹ con xin. Trong phiên chợ, ồn ào và náo nhiệt những tiếng rao, tiếng ngã giá, tiếng cân đo đong đếm hay tiếng dao chặt lên thớt 'phầm phập'. Có cả những bánh trái mà đám trẻ nhỏ mê mẩn cắn từng miếng nhỏ cho được lâu nếu có mua ăn. Người người đông đúc. Mình đi giữa dòng người, lòng rộn ràng hát ca, đôi mắt vô tư chẳng điều lo nghĩ. Ngây dại.  Mùi hương của rau củ thịt cá, màu sắc của hoa trái, và biết bao nụ cười. Phiên chợ xưa đã vắng, chợ thành phố giờ khang trang lắm, mà mình vẫn chỉ nhớ về chợ xưa. Chẳng còn như xưa, có lẽ là mình. Chỉ là, có chút luyến tiếc. Đi chơi chợ, xin cho được làm đứa trẻ thơ bước chân sáo, mua một đồng kẹo bánh, vừa đi vừa cười vừa nhởn nhơ ăn.


Mình chẳng thể quên được những ngày giáp tết, khi còn nhỏ, phố mình bán đào quất đông vui. Đám trẻ con nghỉ học, tụm ba tụm bảy, đi dọc phố nhà, nhanh tay hái trộm những quả cam vàng trĩu mọng rồi chia nhau ăn, miệng cười khanh khách. Hay đôi khi, được người lớn cho vài ba cành đào con, tay cầm ra đứng góc tư đường, hay giữa phố, rao bán kiếm thêm chút tiền tiêu vặt. Trời mưa lạnh, phố xá lầy lội. Mà ai cũng cười thật tươi. Phố Đinh Công Tráng, sau chẳng được bán cây cảnh ngày xuân nữa, tết trở thành ảm đạm hơn hẳn.  Mãi cho đến bây giờ.


Bóng chiều xưa lại tắt mất rồi.  





"Mỗi lần nắng mới hắt bên song,

Xao xác, gà trưa gáy não nùng,

Lòng rượu buồn theo thời dĩ vãng,

Chập chờn sống lại những ngày không.


Tôi nhớ me tôi thuở thiếu thời,

Lúc người còn sống, tôi lên mười,

Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,

Áo đỏ người đưa trước giậu phơi..."

(LTL)

Thứ Tư, 8 tháng 3, 2023

Cái vô biên nằm đâu đó trên cánh vạc chở hoàng hôn về núi mỗi chiều,

 Hôm nay, mượn lời cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn làm tựa đề để viết lên tâm trạng mình vậy.

"Cái vô biên nằm đâu đó trên cánh vạc chở hoàng hôn về núi mỗi chiều"

Cuối tuần gần đây, mình có tới chùa nhờ viết chữ quốc ngữ. Mình chọn chữ An và chép thêm câu nói kia của Trịnh. Bạn cho chữ viết xong xuôi rồi mới quay ra hỏi mình, nghĩa của câu này là gì? Mình không trả lời, mỗi người hiểu mỗi cách, miễn sao thấy nó hay, nó đẹp là đã hiểu đúng rồi. Chỉ là người học trò nhỏ, nào dám chỉ giáo, áp đặt ai. Mình cười trừ và để thời gian trôi. Thế là bạn ấy đứng đọc nhẩm lại câu văn một hồi, rồi mới nói, "Câu này viết chữ Ngộ hợp hơn", liền cầm bút lên viết thêm 1 tờ nữa với chữ Ngộ thay cho chữ An. Ừ nhỉ, có vẻ chữ Ngộ hợp hơn chữ An thật. Nhưng thực lòng, từ khi biết đến câu nói này, trong đầu mình chỉ hiện lên chữ An mà thôi. Cảnh một đàn vạc trắng dang rộng cánh gánh cả hoàng hôn về núi, thật đẹp, thật buồn, thật bình an. Mình cảm giác như thấy được cái tĩnh lặng của buổi chiều hôm. Áng vàng rực đỏ, thời gian như đọng lại, và mình đứng giữa lưng chừng của thời gian, sững sờ không biết làm gì. Bất động, an nhiên.

Mùa này hoa bưởi nở nhiều. Dọc bên đường đến công ty mình là những vườn bưởi, hoa đương dịp nở rộ. Cả một cung đường đi thơm phức mùi hoa bưởi. Thích ơi là thích. Mình nhớ lại mình, cậu trai trẻ năm nào đứng dưới cơn mưa bụi bay bay xách theo cái túi giấy, hái từng cành hoa bưởi ven đường rồi hí hửng mang sang bên nhà ai. Trong lòng chờ mong người ta sẽ thích lắm, cả 2 sẽ cùng ngửi hương hoa thơm ngát. Nhiệt huyết và thanh xuân, giờ thấy xa xôi nhỉ?




Rồi lại còn những vườn hoa cải vàng nữa. Nở nốt cuối mùa, vàng rợp một góc trời rồi để hạ sang. Hôm trước mình tranh thủ trốn làm về sớm, tạt ngang qua một vườn cải chụp choẹt vài kiểu. Trời về chiều gió thổi mạnh, mặt trời thì như quả bóng cứ lơ lửng đằng xa. Sao ông trời lại khéo trêu ngươi, cứ lờ lững mãi chẳng chịu lặn. Nhớ năm xưa mình cũng cùng người ấy đi chụp vườn cải . Những ngọn hoa cao quá đầu người. Bóng người lẩn khuất sau màu vàng ươm, chẳng thể còn thấy lại, cứ nhạt nhòa nhạt nhòa bởi cành lá rung rinh trong gió mà che đi mất.

Hôm qua lúc tan làm, ra khỏi cửa văn phòng ngoảnh mặt về đằng Tây, thất mặt trời đang treo trên ngọn cây sung góc đường. Xung quanh không có nhà cao tầng, không cột đèn, dây điện gì cả. Mình làm trong khu công nghiệp, quanh khu công nghiệp là những cánh đồng, những vườn bưởi. Chỉ có cành lá đung đưa, và mặt trời. Mình làm ở đây cũng lâu rồi, cảnh sắc đơn sơ vậy, mộc mạc vậy mà quen thân lâu ngày sinh tình. Lúc đấy mình chợt nghĩ, nếu mà thôi không làm đấy nữa, hẳn sẽ buồn lắm. Cảnh mặt trời lặn sau lùm cây, màu hồng leo nở ngay ngoài văn phòng, hay những buổi gió lộng cứ tốc hết bụi mù đi lên. Vật việc vốn đã quen lâu, bỗng nhiên không thấy được nữa sao tránh khỏi buồn. Có người đã từng đứng ngoài cổng chờ mình, hay đèo mình qua chỗ làm. Giờ cũng chẳng cách nào thấy lại được nữa. 



Mình cũng có vài người bạn, bỗng một ngày họ chẳng còn nhắn tin gì nữa. Chỉ là mình nhắn họ, thì họ trả lời, vậy thôi. Đôi khi mình cảm thấy thanh âm cuộc sống quá nhỏ bé và dễ đứt dây, muốn tìm kiếm một ai đó để phù phiếm da du, kéo cái list bạn lên xuống rồi quyết định đặt điện thoại xuống, cầm sách lên và đọc. Bởi họ không sẵn sàng để cho trò truyện, ít nhất với mình. Chỉ là sự miễn cưỡng, hay lịch sự trả lời. Cũng hay, thế mà mình tưởng đã là thân lắm, vậy mà chỉ cần có cái gì không hợp với mục đích của họ. họ bỏ ngay được. Chỉ có những cuốn sách, những giấy, màu là trung thành mà thôi. Mình nghĩ, có lẽ mình nên thu mình vào vỏ ốc hơn, sống với góc học tập, làm việc của mình, ít đi ra ngoài kia. Hơn nữa, việc dắt xe ra khỏi nhà sau 9h tối hay đi chơi về khuya cũng chẳng còn hấp dẫn mình nữa, có lẽ mình đang dần thu mình lại, chẳng cần phải nói nên hay không nên. Nhưng sao lòng vẫn cảm thấy bứt rứt nhỉ? Từng người từng người đến và đi, không biết liệu họ có nhận ra lỗ hổng còn lại trong mình hay không? Thế thà đừng có đến, thì chẳng có đi lại hơn. Mình chẳng muốn gặp mọi người nữa.

Mình có đọc một câu viết, Một ngày ta sẽ nhận ra, có những người dù muốn cách mấy cũng không thể gặp lại được nữa, dù có gặp lại cũng chẳng còn như xưa. Qủa thật vậy. Kiền khôn xoay vần, phong thủy còn dịch chuyển mãi huống hồ một chút tình người nhỏ nhoi. Lúc lên xuống khi thành diệt. Ngay từ đầu mình đã lường trước, nhưng kết cục thì chẳng phải riêng ai quyết định được cả. Cố chấp đã nhiều. hôm nay mình từ bỏ thôi.

 Lại là mình, an nhiên trong vỏ ốc.


Thứ Tư, 25 tháng 1, 2023

Ngày xuân ngồi nhắc chuyện Tết xưa,

 Nay đã là ngày 4 Tết Qúy mão, tính ra đã là hết Tết rồi.

Ấy vậy mà tới tận hôm nay, mới có thời gian lẫn tâm trí ngồi gõ lại đôi dòng lan man ngày Tết cũ.

Năm nay năm đầu tiên mình không ăn Tết ở phố, có điều gì đó hơi chạnh lòng. 

Tết ở nhà mặt phố nhiều điều khác lắm. Sáng 30 Tết, phố xá im ắng vắng lặng, người người ở nhà tranh thủ dọn dẹp nốt nhà cửa đón Tết, rồi lại bận bịu với mâm cơm tất niên để mời ông bà ông vải về vui Tết với con cháu. Thế nên, sáng 30 trong tâm trí mình luôn là một phút tĩnh lặng sau nhiều ngày dài, đặc biệt là những ngày cuối năm tấp nập ồn ào nơi phố thị, với dòng người rồng rắn nhau đi sắm Tết trên đường. Sáng 30, không khí như cô đặc, chỉ có tiếng loa phường văng vẳng từ phố bên vọng lại mà thôi.

Chiều 30, mình thường luôn tắm rửa thật thơm tho, mặc quần áo thật đẹp xuống nhà, ra hè đón Tết từ đầu chiều. Chiều 30 phố phường lại tấp nập trở lại. Người ta đi chơi, gặp nhau lần cuối trong năm cũ. Thảnh thơi, nói nốt với nhau những điều năm cũ, hay ôn lại một chút chuyện đã qua, buồn vui lẫn lộn, để chuẩn bị gạt ra tất cả. Có khi là tranh thủ ăn với nhau bữa ăn cuối cùng trong năm. Ai cũng vui cười, hân hoan chờ đón Xuân về. Tầm 5h chiều khi trời bắt đầu chạng vạng, những xe rác hối hả dóng chuông giục người dân mau mau vứt những rác còn sót lại, tiếng quét loẹt xoẹt liên tay hè phố để giao thừa thành phố sạch sẽ nhất có thể. Những anh công an, an ninh cũng lượn vè vè đóng chốt ở tất cả các ngã tư, chốt trực đêm giao thừa. Nhà ai mà nổ pháo, các anh liền ập vào ngay.

Còn Tết ở trong ngõ, chỉ có im lặng. Đường ngõ vắng tanh, nhà ai cũng cửa đóng then cài, thật ảm đạm.

Đêm mồng 2 Tết này, gió mùa về. Mình nằm ngủ trong buồng, nghe gió xào xạc cành lá ngoài vườn khuya, tự nhiên mình nhớ tới đêm ngủ trên Hàm lợn cùng Đ. Cũng gió thổi xào xạc bốn bề, văng vẳng cả tiếng suối chảy và đôi khi là lộp độp mưa rơi. Ngày ấy đã xa rồi. Ai rồi cũng đổi thay. Kỷ niệm nào cũng thật đẹp, mà cứ phải quên đi.

Tự nhiên nhớ tới cành hoa tết Thanh tiên hai đứa lặn lội tận xứ Huế mua mang về, mỗi người mỗi cành. Trời thì lạnh căm căm, mà lòng người thì ấm lắm. Sông cũng cạn, núi cũng mòn, lòng người dần cũng hư hao.

Tết năm nay trôi thật nhanh. Càng lớn, mình càng sợ hội họp ngày Tết. Chỉ còn lại phần lễ mà thôi. Tết dần nặng về lễ nghi, chỉ ở nhà, làm cơm, cúng bái. Vậy mà cũng hay, chẳng phải nghĩ suy gì nhiều. Sống một mình, sống cho riêng mình, sống cho trọn phận mình. 

Đ năm nay ăn Tết vui không? Anh đã không còn qua Đ chúc Tết như mọi năm nữa. Một thói quen đành rời bỏ ta mà đi, dù muốn hay không...Tiếc thật.


11:45 PM

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2022

Như cánh vạc bay...

 Độ này trời lạnh. Thật lạnh. Lạnh thật. 

Ngoài trời nhiệt độ lúc nào cũng chỉ mười mấy độ. Lòng mình cũng quắt quay nhiều phần.

Tại sao mình cứ phải cố chấp. Tại sao mình lại cứ phải chấp niệm. Tại sao lại cứ phải đau đến thế nhỉ? Chẳng ai nhớ đến mình đâu. Lời người đã nói rõ đến vậy. Hành động của người đã rõ vậy mà. Vậy mà mình lại cứ vẫn mong chờ. 

Mình vẫn nhớ rõ như in cuộc thoại ấy, lần mà vất vả lắm mình mới có thể kết nối được. Câu trả lời của họ thật bình tĩnh, thật dứt khoát. Vẫn ám ảnh, vang vọng trong mình mãi. 

Thật khờ dại.  

Đời còn bao nhiêu lần khờ dại rồi chết? 

Đôi khi mình nghĩ có lẽ chết cũng không quá tệ, như bác Ngạn từng nói vậy. Sống trên đời này, đủ những bất công, xấu đẹp, giàu nghèo, bệnh tật,...chỉ có cái chết là công bằng cho tất cả. Nhưng đời sống luôn thật đẹp, cỏ cây, hoa lá, chim muông, những tiếng ồn... Chúng là thứ luôn giữ mình lại với đời sống này. 

Mấy hôm rồi mẹ có hỏi mình có chuyện gì buồn. Mình chẳng nói gì cả, chỉ bảo là con vẫn ổn. Mấy hôm rồi mình cảm lạnh, mẹ ôm chăn gối vào phòng mình nằm ngủ, bảo là để đêm mình có sốt còn sớm biết mà xử lý. Đúng là, chỉ có mẹ mình mới vậy mà thôi. Chẳng ai quan tâm mình được vậy đâu. Thế mà mình lại buồn vì người dưng ngược lối cơ chứ. Dại thật. 

Sắp Tết rồi. Năm nay mình không có dự định đi Đông Hồ mua tranh tết nữa. Phần vì lạnh, phần vì cũng chẳng còn biết đi cùng ai. Không còn đi những hàng gốm sứ sắm sửa món này kia, hay lượn quanh bát phố cùng coi thiên hạ mua Tết. Chỉ còn đó lặng lẽ trong những hồi ức mịt mùng. 

Đêm mình nằm ngủ, chẳng hiểu tự bao giờ, mình chỉ nằm me mé một cạnh giường, để lại cả khoảng trống bên cạnh. Mình nhớ lại lần nhìn thấy LV ngủ ngày nào,đến nay phải đã chục năm rồi, cũng y hệt như vậy, chỉ nằm nghiêng nép mình vào một cạnh giường, và cả khoảng trống sau lưng. "Để khỏi cảm thấy khoảng trống không bên cạnh". Có lẽ là vậy thật. Càn khôn xoay vần, phiên người đã tới rồi, nay tới phiên mình mà thôi. Đời tới phiên nhau chẳng mấy chốc, chiếc bánh này nào ai thiếu phần. 

Những ngày này mình cảm thấy thật sự mỏi mệt. Mỗi ngày đều cảm thấy sợ hãi. Sợ phải đi ngủ, rồi lại phải thức dậy, phải đứng lên đi tiếp thêm một ngày nữa rồi đi ngủ. Cứ vậy, cứ vậy. Cảm thấy trống trải, bơ vơ hơn bao giờ hết. Không biết nên đứng lên từ đâu, không biết tựa vào ai. Người thì đã bỏ đi vui niềm vui mới. Đểu thật. Còn mỗi mình mình là dậm chân tại chỗ với mớ hỗn độn này.

Khép chặt lòng lại với đời. Có lẽ đó mới là chân lý. Mình mệt mỏi rồi.


"Ánh bảo anh viết thật dài cho Ánh, nhưng những dòng chữ không thể dài bằng nỗi nhớ được. Nỗi nhớ đã đi qua hết quảng đời dài hơn 20 năm. Đi từ Huế tới Đà Lạt về Sài Gòn và âm ỉ như một dòng dòng nước ngầm không quên lãng. Anh không thấy Ánh thay đổi gì khác. Cứ như vậy mãi mãi. Những kỷ niệm xưa đã nằm trong những bài hát của anh. Anh thì chẳng giữ lại gì cả. Thế mà cũng hay, hãy để một người khác giữ và mình thì lãng quên hoặc nhớ trên một văn bản không bao giờ có thật. Có những hạnh phúc không bao giờ mình đến gần được. Bình thường thôi, anh sống một mình và cố tìm một niềm vui của riêng anh."


" ...Suối đón từng bàn chân em qua

Lá hát từ bàn tay thơm tho

Lá khô vì đợi chờ

Cũng như đời người mãi âm u..."

Như cánh vạc bay ... ước gì mình cũng vậy, như cánh vạc chở hoàng hôn về núi mỗi chiều. 

Chênh vênh.  

Đẹp vô cùng và buồn...


Thứ Ba, 20 tháng 9, 2022

Nhớ trung thu xưa,

 Trung thu đã qua hơn một tuần , thế nhưng bâng khuâng thì vẫn còn đọng lại trong lòng.

Năm nay, có lẽ là năm đầu tiên trong đời Trung thu mình không bánh, không đèn, không kèn trống, và cũng không có ai ở bên cạnh. Tối Trung thu, nằm một mình trong phòng, cảm giác xung quanh trống trải, vô chừng. Căn nhà thấy sao lớn quá.


Rồi những hồi ức về Trung thu năm xưa ùa về sao thật vui. Cái thủa mà còn thiếu thốn đủ thứ, nhưng không bao giờ thiếu tiếng cười. 

Mình vẫn còn nhớ rõ hồi những năm 94 95, cái hồi mà pháo vẫn chưa bị cấm ở Việt nam. Không chỉ ngày Tết, mà Trung thu mọi người đốt pháo cũng nhiều. Nhà mình nằm ở phố thương mại, cứ mùa nào thức nấy. Đến những ngày này, không chỉ là sạp bánh, kẹo, đèn lồng mà còn những sạp pháo đỏ chót bày bán dọc con phố. Những pháo dài, hay pháo đựng trong hộp tròn tròn, giấy màu hồng điều thật bắt mắt. Trong ký ức mình vẫn còn nhớ một tối Trung thu năm ấy, khi mình mới chỉ có 4 5 tuổi,  cả nhà qua quán chè nhà bác Thanh đối diện, quán dưới gốc cây vông thật to, mà đã chặt đi từ thuở nào rồi, ngồi uống nước và thư thả hóng gió, ngắm nhìn phố phường người ta đi rước đèn Trung thu. Thành phố khi đó ít ánh đèn.  Và ánh pháo hoa rực rỡ trên bầu trời tối đó, lung linh như muôn vì sao. Bên dưới, dòng người qua lại, nói cười.


Cho tới những năm cấp 1 lông lống lớn một chút, mình được tự do chạy nhảy chơi quanh phố, không còn phải bố mẹ kèm cặp nữa. Những ngày giáp Trung thu, khu phố mình lúc nào cũng rộn ràng những sạp hàng bán đồ chơi, mặt nạ, đèn lồng, dưới những gốc vông già đã bị đốn bỏ từ đời thủa, không cách nào thấy lại được nữa. 

Ngày đó Trung thu trời thường đã se lạnh nhiều, lũ trẻ con cũng vào năm học. Tối tối, đứa nào cũng tranh thủ học bài thật nhanh rồi í ới gọi nhau ra chơi. Cứ loanh quanh mấy sạp hàng trung thu nhà hàng xóm, dưới gốc vông, bên sân hè, hay có khi là bày bán bên vỉa hè công viên bên đường. Trông hàng hộ, bán hàng hộ, nghịch một chút, chơi đuổi bắt, chơi trốn tìm. Ngày đó, phố xá cũng còn vắng ánh đèn đường, người qua lại sau 9h là thưa lắm, tĩnh lặng lắm. Có khi nghe rõ mồn một tiếng radio từ nhà nào đó mở lớn vọng ra ngoài phố. Thậm chí cả tiếng  phát ra từ tivi báo chương trình phim truyện buổi tối, sân khấu,... từ một nhà nào đó mà đám trẻ vô tình chạy ngang qua vọng ra tới cả đường phố. Thành phố về tối nhiều phần im ắng. Chạy nhảy nô đùa, gió thu thổi mướt, mặc manh áo cộc thì lạnh, nhưng khoác thêm tấm áo thì lại nóng. Thế nên đôi khi lại nghe tiếng người lớn quát lên về khoác thêm áo, nhưng mặc kệ cứ mải chơi mà thôi. Tiếng cười đùa rộn rã. Con phố nhỏ sáng tối vì thiếu đèn đường , chỉ có những ánh đèn tuýp yếu ớt hắt ra từ nhà dân, hay đèn neon tròn từ các sạp hàng bán. Thật bình yên.

Mình vẫn nhớ lần trông hộ hàng quán cho cô Hoàng, em chồng bác Thanh Hiếu bán phở bên kia đường, bày sạp hàng bán ở vỉa hè công viên đối diện nhà. Trời càng về khuya, gió thổi càng lạnh, xao xác phố phường, và lòng mình cũng lao xao mà một đứa trẻ thuở đó không thể tả nổi là gì. Cho đến bây giờ, mỗi khi nghĩ lại, những ngọn gió ngày đó vẫn như thổi quẩn quanh trong lòng mình, cồn cào, tiếc thương.


Ký ức về đồ chơi trung thu sớm nhất mình còn có thể nhớ là chiếc đèn lồng chạy pin con cá chép trên hoa sen . Hồi đó mẹ bán chè chập chiều tối, buổi trưa hay đầu chiều thường hay đi chợ để mua này mua kia. Mình vẫn nhớ rõ mình đã đòi mẹ nằng nặc, chiều đó trời cũng nắng hanh hanh, ngồi ngoài hè trước cửa chờ mẹ đi chợ về, chờ mãi chờ mãi để đòi mẹ đèo ra chợ mua. Cái đèn đó rước Trung thu được một năm rồi cũng xếp gọn lại 1 góc, trẻ em cả thèm chóng chán.

Rồi cũng có lần, mình nằng nặc đòi mẹ mua mặt nạ Tây du ký. Năm nào tivi cũng chiếu lại Tây du ký, và không một đứa trẻ nào không mê, muốn hóa thân thành nhân vật trong phim cả. Hôm đó ăn tối xong, nhớ là giờ cơm tối giường như mọi người cũng đều ở nhà mình để dùng bữa, phố phường rất im ắng, hai mẹ con dẫn nhau qua con phố bên cạnh, ghé vào sạp hàng Trung thu của cô người Nam định nhà có nghề làm những chú chim sẻ nhỏ rất đẹp gắn vào cành đào ngày Tết. Có những mặt nạ Ngộ không, Bát giới, Đường tăng, Quan âm, Tam tạng,... Chẳng hiểu sao mình lại chọn mặt nạ người hiền nhất Tam tạng mà không phải là Ngộ không? Khờ thật. Cái mặt nạ nhựa mỏng tang thôi, chẳng đáng bao tiền, mà với một đứa trẻ như cả một thế giới vậy.



Hồi đó bánh Trung thu chưa nhiều và bán tràn lan quanh năm như bây giờ. Chờ đợi cả năm mới có một dịp để thưởng thức. Gần sát nhà mình có hai hàng gia truyền là nhà bà Bài và bà gì thì lâu đã quên mất tên rồi. Nhà bà Bài bên phố Tống Duy Tân có cô con dâu mãi lâu sau này có làm bánh nướng bán các ngày rằm, nên mình được ăn bánh thường xuyên hơn. Tiếc là cô rồi cũng đi nhảy sông tự tử, chẳng còn ai làm nữa. Còn nhà kia bên phố Nguyễn Trãi, các ông con zai chỉ toàn chơi không ai làm, chỉ có các cô con dâu nai lưng làm mà thôi, rồi cũng tan đàn sẻ nghé đòi bán đất chia phần. Giờ chẳng còn lại gì. Những hôm Trung thu, mẹ phải thắp hương nên trẻ con cứ chờ, cứ ngóng mãi để được hạ lễ. Rồi cả nhà ngồi đó, cắt bánh cùng ăn. Ôi chao, cắn một miếng thôi, chẳng hiểu bao sự thèm thuồng trước đó đi đâu hết, ngán ngay lập tức. Đúng là trẻ em, có lẽ chưa thật biết thưởng thức cái vị cổ truyền.

....

Trung thu nay nhớ Trung thu xưa. Kỷ niệm thì vẫn mãi chỉ là kỷ niệm. Gía mà có thể quay về được nhỉ?



Thứ Năm, 24 tháng 2, 2022

Những con đường nhỏ, những lối đi nhỏ.

 Hôm nay ngồi lại, tự nhiên mình thấy nhớ nước Pháp kinh khủng.

Mình nhớ những chiều cuối tuần thảnh thơi có nắng ấm, mình tản bộ từ ký túc về phía ngoại ô thành phố. Nơi đó không có quá nhiều nhà cửa, quán xá. Sẽ có thật nhiều những hàng cây xanh rung rinh trong gió, những con đường nhỏ trải dài rơi đầy những lá khô mà có lẽ vài ngày hay 1 tuần mới có người đi dọn. Người và xe cộ cũng sẽ vắng hơn. Mọi thứ không náo nhiệt, ồn ào. Chỉ có câm lặng, và tiếng gót giày dẫm lên từng chiếc lá vàng khô.

 Có một chiều mình cùng anh Đồng, cũng là người Việt ở chung ký túc đã đi như thế. Hai anh em đi qua cả những khu phố của người da màu ở ngoại ô, nơi có tiếng nói cười khanh khách. Ra tới rìa ven thung lũng, nơi có cây táo dại mà cả hai cùng vui vẻ hái về ăn. Cây còn sai quả lắm, nhưng ở mãi trên cao nên chẳng thể nào hái hết được. Nhưng ai cũng nói cười đầy mãn nguyện, kéo một làn táo đầy trở về ký túc trong ánh chiều buông nhạt nhòa.

Có những ngày mình lang thang ra phía xa xa, nhìn những thảm cỏ mùa xuân xanh mướt, nơi có những bông thạch thảo, tuy lip, bạch đầu ông, diên vĩ dại thi thoảng nở hoa. Những ven đường nào là cúc dại trắng ngần, bồ công anh vàng ươm xinh tươi. Mọi thứ đều đầy sức sống, bởi thiếu vắng hình bóng của con người. Ở đó chỉ có nắng, gió, cái lạnh và sự tĩnh mịch. Giữa tĩnh mịch đó, vạn vật đều sinh sôi. Mình vừa đi vừa nhẩm hát mấy bài hát quen thuộc "Em hiền như ma soeur", "Hai năm tình lận đận", "Chỉ chừng đó thôi", và đếm chậm rãi từng nhịp bước chân. Mình đến nơi lâu đài nọ, nơi có những con đường rải sỏi. Nơi có nhiều nắng và bóng người hơn. Có hồ nước và những con vịt trời bơi lội. "Vào mùa đông, khi mặt nước đóng băng, bầy vịt ấy sẽ đi đâu". Câu văn trong "Bắt trẻ đồng xanh ấy" lần nào cũng văng vẳng trong đầu.

Có mùa sang xuân, những cây hoa anh đào nở rộ, Cánh hoa anh đào bay bay theo từng cơn gió, thật nhiều, thật nhiều. Mình đã đứng dưới gốc cây anh đào, mường tượng như mình chìm nghỉm trong màn hoa ấy. Cảm tưởng như mình biến mất. Tươi cười.

Nước Pháp xinh đẹp, với những buổi sớm mai trầm mặc. Nhìn về thành phố từ nơi xa, đi chợ mua một trái melon ngon ngọt, ngồi sân ga lúc buổi chiều nhìn những kẻ đến và đi. Hít thở cái không khí lạnh lạnh. Cảm giác một nước Pháp bình yên, câm lặng, thanh bình và có phần đơn độc.






Những bông bồ công anh, cúc dại, hoa ngu mỹ nhân vẫn nở ven đường, nơi những bãi đất hoang. Lẩn khuất cả mùi oải hương, màu tử đằng biêng biếc,...Nước Pháp không nhộn nhạo, không tấp nập, đủ cô đơn. 




Cảm giác đủ cô đơn đến độ giấu khéo được cả nỗi cô đơn của bản thân mình vào đấy.

Hòa làm một dòng chảy chung. 

Mà trở thành bình thường.

Bất tận....


"Đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa

Đưa em về dưới mưa, áo em bùn lưa thưa..."