cỏ

cỏ

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2022

Như cánh vạc bay...

 Độ này trời lạnh. Thật lạnh. Lạnh thật. 

Ngoài trời nhiệt độ lúc nào cũng chỉ mười mấy độ. Lòng mình cũng quắt quay nhiều phần.

Tại sao mình cứ phải cố chấp. Tại sao mình lại cứ phải chấp niệm. Tại sao lại cứ phải đau đến thế nhỉ? Chẳng ai nhớ đến mình đâu. Lời người đã nói rõ đến vậy. Hành động của người đã rõ vậy mà. Vậy mà mình lại cứ vẫn mong chờ. 

Mình vẫn nhớ rõ như in cuộc thoại ấy, lần mà vất vả lắm mình mới có thể kết nối được. Câu trả lời của họ thật bình tĩnh, thật dứt khoát. Vẫn ám ảnh, vang vọng trong mình mãi. 

Thật khờ dại.  

Đời còn bao nhiêu lần khờ dại rồi chết? 

Đôi khi mình nghĩ có lẽ chết cũng không quá tệ, như bác Ngạn từng nói vậy. Sống trên đời này, đủ những bất công, xấu đẹp, giàu nghèo, bệnh tật,...chỉ có cái chết là công bằng cho tất cả. Nhưng đời sống luôn thật đẹp, cỏ cây, hoa lá, chim muông, những tiếng ồn... Chúng là thứ luôn giữ mình lại với đời sống này. 

Mấy hôm rồi mẹ có hỏi mình có chuyện gì buồn. Mình chẳng nói gì cả, chỉ bảo là con vẫn ổn. Mấy hôm rồi mình cảm lạnh, mẹ ôm chăn gối vào phòng mình nằm ngủ, bảo là để đêm mình có sốt còn sớm biết mà xử lý. Đúng là, chỉ có mẹ mình mới vậy mà thôi. Chẳng ai quan tâm mình được vậy đâu. Thế mà mình lại buồn vì người dưng ngược lối cơ chứ. Dại thật. 

Sắp Tết rồi. Năm nay mình không có dự định đi Đông Hồ mua tranh tết nữa. Phần vì lạnh, phần vì cũng chẳng còn biết đi cùng ai. Không còn đi những hàng gốm sứ sắm sửa món này kia, hay lượn quanh bát phố cùng coi thiên hạ mua Tết. Chỉ còn đó lặng lẽ trong những hồi ức mịt mùng. 

Đêm mình nằm ngủ, chẳng hiểu tự bao giờ, mình chỉ nằm me mé một cạnh giường, để lại cả khoảng trống bên cạnh. Mình nhớ lại lần nhìn thấy LV ngủ ngày nào,đến nay phải đã chục năm rồi, cũng y hệt như vậy, chỉ nằm nghiêng nép mình vào một cạnh giường, và cả khoảng trống sau lưng. "Để khỏi cảm thấy khoảng trống không bên cạnh". Có lẽ là vậy thật. Càn khôn xoay vần, phiên người đã tới rồi, nay tới phiên mình mà thôi. Đời tới phiên nhau chẳng mấy chốc, chiếc bánh này nào ai thiếu phần. 

Những ngày này mình cảm thấy thật sự mỏi mệt. Mỗi ngày đều cảm thấy sợ hãi. Sợ phải đi ngủ, rồi lại phải thức dậy, phải đứng lên đi tiếp thêm một ngày nữa rồi đi ngủ. Cứ vậy, cứ vậy. Cảm thấy trống trải, bơ vơ hơn bao giờ hết. Không biết nên đứng lên từ đâu, không biết tựa vào ai. Người thì đã bỏ đi vui niềm vui mới. Đểu thật. Còn mỗi mình mình là dậm chân tại chỗ với mớ hỗn độn này.

Khép chặt lòng lại với đời. Có lẽ đó mới là chân lý. Mình mệt mỏi rồi.


"Ánh bảo anh viết thật dài cho Ánh, nhưng những dòng chữ không thể dài bằng nỗi nhớ được. Nỗi nhớ đã đi qua hết quảng đời dài hơn 20 năm. Đi từ Huế tới Đà Lạt về Sài Gòn và âm ỉ như một dòng dòng nước ngầm không quên lãng. Anh không thấy Ánh thay đổi gì khác. Cứ như vậy mãi mãi. Những kỷ niệm xưa đã nằm trong những bài hát của anh. Anh thì chẳng giữ lại gì cả. Thế mà cũng hay, hãy để một người khác giữ và mình thì lãng quên hoặc nhớ trên một văn bản không bao giờ có thật. Có những hạnh phúc không bao giờ mình đến gần được. Bình thường thôi, anh sống một mình và cố tìm một niềm vui của riêng anh."


" ...Suối đón từng bàn chân em qua

Lá hát từ bàn tay thơm tho

Lá khô vì đợi chờ

Cũng như đời người mãi âm u..."

Như cánh vạc bay ... ước gì mình cũng vậy, như cánh vạc chở hoàng hôn về núi mỗi chiều. 

Chênh vênh.  

Đẹp vô cùng và buồn...


Thứ Ba, 20 tháng 9, 2022

Nhớ trung thu xưa,

 Trung thu đã qua hơn một tuần , thế nhưng bâng khuâng thì vẫn còn đọng lại trong lòng.

Năm nay, có lẽ là năm đầu tiên trong đời Trung thu mình không bánh, không đèn, không kèn trống, và cũng không có ai ở bên cạnh. Tối Trung thu, nằm một mình trong phòng, cảm giác xung quanh trống trải, vô chừng. Căn nhà thấy sao lớn quá.


Rồi những hồi ức về Trung thu năm xưa ùa về sao thật vui. Cái thủa mà còn thiếu thốn đủ thứ, nhưng không bao giờ thiếu tiếng cười. 

Mình vẫn còn nhớ rõ hồi những năm 94 95, cái hồi mà pháo vẫn chưa bị cấm ở Việt nam. Không chỉ ngày Tết, mà Trung thu mọi người đốt pháo cũng nhiều. Nhà mình nằm ở phố thương mại, cứ mùa nào thức nấy. Đến những ngày này, không chỉ là sạp bánh, kẹo, đèn lồng mà còn những sạp pháo đỏ chót bày bán dọc con phố. Những pháo dài, hay pháo đựng trong hộp tròn tròn, giấy màu hồng điều thật bắt mắt. Trong ký ức mình vẫn còn nhớ một tối Trung thu năm ấy, khi mình mới chỉ có 4 5 tuổi,  cả nhà qua quán chè nhà bác Thanh đối diện, quán dưới gốc cây vông thật to, mà đã chặt đi từ thuở nào rồi, ngồi uống nước và thư thả hóng gió, ngắm nhìn phố phường người ta đi rước đèn Trung thu. Thành phố khi đó ít ánh đèn.  Và ánh pháo hoa rực rỡ trên bầu trời tối đó, lung linh như muôn vì sao. Bên dưới, dòng người qua lại, nói cười.


Cho tới những năm cấp 1 lông lống lớn một chút, mình được tự do chạy nhảy chơi quanh phố, không còn phải bố mẹ kèm cặp nữa. Những ngày giáp Trung thu, khu phố mình lúc nào cũng rộn ràng những sạp hàng bán đồ chơi, mặt nạ, đèn lồng, dưới những gốc vông già đã bị đốn bỏ từ đời thủa, không cách nào thấy lại được nữa. 

Ngày đó Trung thu trời thường đã se lạnh nhiều, lũ trẻ con cũng vào năm học. Tối tối, đứa nào cũng tranh thủ học bài thật nhanh rồi í ới gọi nhau ra chơi. Cứ loanh quanh mấy sạp hàng trung thu nhà hàng xóm, dưới gốc vông, bên sân hè, hay có khi là bày bán bên vỉa hè công viên bên đường. Trông hàng hộ, bán hàng hộ, nghịch một chút, chơi đuổi bắt, chơi trốn tìm. Ngày đó, phố xá cũng còn vắng ánh đèn đường, người qua lại sau 9h là thưa lắm, tĩnh lặng lắm. Có khi nghe rõ mồn một tiếng radio từ nhà nào đó mở lớn vọng ra ngoài phố. Thậm chí cả tiếng  phát ra từ tivi báo chương trình phim truyện buổi tối, sân khấu,... từ một nhà nào đó mà đám trẻ vô tình chạy ngang qua vọng ra tới cả đường phố. Thành phố về tối nhiều phần im ắng. Chạy nhảy nô đùa, gió thu thổi mướt, mặc manh áo cộc thì lạnh, nhưng khoác thêm tấm áo thì lại nóng. Thế nên đôi khi lại nghe tiếng người lớn quát lên về khoác thêm áo, nhưng mặc kệ cứ mải chơi mà thôi. Tiếng cười đùa rộn rã. Con phố nhỏ sáng tối vì thiếu đèn đường , chỉ có những ánh đèn tuýp yếu ớt hắt ra từ nhà dân, hay đèn neon tròn từ các sạp hàng bán. Thật bình yên.

Mình vẫn nhớ lần trông hộ hàng quán cho cô Hoàng, em chồng bác Thanh Hiếu bán phở bên kia đường, bày sạp hàng bán ở vỉa hè công viên đối diện nhà. Trời càng về khuya, gió thổi càng lạnh, xao xác phố phường, và lòng mình cũng lao xao mà một đứa trẻ thuở đó không thể tả nổi là gì. Cho đến bây giờ, mỗi khi nghĩ lại, những ngọn gió ngày đó vẫn như thổi quẩn quanh trong lòng mình, cồn cào, tiếc thương.


Ký ức về đồ chơi trung thu sớm nhất mình còn có thể nhớ là chiếc đèn lồng chạy pin con cá chép trên hoa sen . Hồi đó mẹ bán chè chập chiều tối, buổi trưa hay đầu chiều thường hay đi chợ để mua này mua kia. Mình vẫn nhớ rõ mình đã đòi mẹ nằng nặc, chiều đó trời cũng nắng hanh hanh, ngồi ngoài hè trước cửa chờ mẹ đi chợ về, chờ mãi chờ mãi để đòi mẹ đèo ra chợ mua. Cái đèn đó rước Trung thu được một năm rồi cũng xếp gọn lại 1 góc, trẻ em cả thèm chóng chán.

Rồi cũng có lần, mình nằng nặc đòi mẹ mua mặt nạ Tây du ký. Năm nào tivi cũng chiếu lại Tây du ký, và không một đứa trẻ nào không mê, muốn hóa thân thành nhân vật trong phim cả. Hôm đó ăn tối xong, nhớ là giờ cơm tối giường như mọi người cũng đều ở nhà mình để dùng bữa, phố phường rất im ắng, hai mẹ con dẫn nhau qua con phố bên cạnh, ghé vào sạp hàng Trung thu của cô người Nam định nhà có nghề làm những chú chim sẻ nhỏ rất đẹp gắn vào cành đào ngày Tết. Có những mặt nạ Ngộ không, Bát giới, Đường tăng, Quan âm, Tam tạng,... Chẳng hiểu sao mình lại chọn mặt nạ người hiền nhất Tam tạng mà không phải là Ngộ không? Khờ thật. Cái mặt nạ nhựa mỏng tang thôi, chẳng đáng bao tiền, mà với một đứa trẻ như cả một thế giới vậy.



Hồi đó bánh Trung thu chưa nhiều và bán tràn lan quanh năm như bây giờ. Chờ đợi cả năm mới có một dịp để thưởng thức. Gần sát nhà mình có hai hàng gia truyền là nhà bà Bài và bà gì thì lâu đã quên mất tên rồi. Nhà bà Bài bên phố Tống Duy Tân có cô con dâu mãi lâu sau này có làm bánh nướng bán các ngày rằm, nên mình được ăn bánh thường xuyên hơn. Tiếc là cô rồi cũng đi nhảy sông tự tử, chẳng còn ai làm nữa. Còn nhà kia bên phố Nguyễn Trãi, các ông con zai chỉ toàn chơi không ai làm, chỉ có các cô con dâu nai lưng làm mà thôi, rồi cũng tan đàn sẻ nghé đòi bán đất chia phần. Giờ chẳng còn lại gì. Những hôm Trung thu, mẹ phải thắp hương nên trẻ con cứ chờ, cứ ngóng mãi để được hạ lễ. Rồi cả nhà ngồi đó, cắt bánh cùng ăn. Ôi chao, cắn một miếng thôi, chẳng hiểu bao sự thèm thuồng trước đó đi đâu hết, ngán ngay lập tức. Đúng là trẻ em, có lẽ chưa thật biết thưởng thức cái vị cổ truyền.

....

Trung thu nay nhớ Trung thu xưa. Kỷ niệm thì vẫn mãi chỉ là kỷ niệm. Gía mà có thể quay về được nhỉ?



Thứ Năm, 24 tháng 2, 2022

Những con đường nhỏ, những lối đi nhỏ.

 Hôm nay ngồi lại, tự nhiên mình thấy nhớ nước Pháp kinh khủng.

Mình nhớ những chiều cuối tuần thảnh thơi có nắng ấm, mình tản bộ từ ký túc về phía ngoại ô thành phố. Nơi đó không có quá nhiều nhà cửa, quán xá. Sẽ có thật nhiều những hàng cây xanh rung rinh trong gió, những con đường nhỏ trải dài rơi đầy những lá khô mà có lẽ vài ngày hay 1 tuần mới có người đi dọn. Người và xe cộ cũng sẽ vắng hơn. Mọi thứ không náo nhiệt, ồn ào. Chỉ có câm lặng, và tiếng gót giày dẫm lên từng chiếc lá vàng khô.

 Có một chiều mình cùng anh Đồng, cũng là người Việt ở chung ký túc đã đi như thế. Hai anh em đi qua cả những khu phố của người da màu ở ngoại ô, nơi có tiếng nói cười khanh khách. Ra tới rìa ven thung lũng, nơi có cây táo dại mà cả hai cùng vui vẻ hái về ăn. Cây còn sai quả lắm, nhưng ở mãi trên cao nên chẳng thể nào hái hết được. Nhưng ai cũng nói cười đầy mãn nguyện, kéo một làn táo đầy trở về ký túc trong ánh chiều buông nhạt nhòa.

Có những ngày mình lang thang ra phía xa xa, nhìn những thảm cỏ mùa xuân xanh mướt, nơi có những bông thạch thảo, tuy lip, bạch đầu ông, diên vĩ dại thi thoảng nở hoa. Những ven đường nào là cúc dại trắng ngần, bồ công anh vàng ươm xinh tươi. Mọi thứ đều đầy sức sống, bởi thiếu vắng hình bóng của con người. Ở đó chỉ có nắng, gió, cái lạnh và sự tĩnh mịch. Giữa tĩnh mịch đó, vạn vật đều sinh sôi. Mình vừa đi vừa nhẩm hát mấy bài hát quen thuộc "Em hiền như ma soeur", "Hai năm tình lận đận", "Chỉ chừng đó thôi", và đếm chậm rãi từng nhịp bước chân. Mình đến nơi lâu đài nọ, nơi có những con đường rải sỏi. Nơi có nhiều nắng và bóng người hơn. Có hồ nước và những con vịt trời bơi lội. "Vào mùa đông, khi mặt nước đóng băng, bầy vịt ấy sẽ đi đâu". Câu văn trong "Bắt trẻ đồng xanh ấy" lần nào cũng văng vẳng trong đầu.

Có mùa sang xuân, những cây hoa anh đào nở rộ, Cánh hoa anh đào bay bay theo từng cơn gió, thật nhiều, thật nhiều. Mình đã đứng dưới gốc cây anh đào, mường tượng như mình chìm nghỉm trong màn hoa ấy. Cảm tưởng như mình biến mất. Tươi cười.

Nước Pháp xinh đẹp, với những buổi sớm mai trầm mặc. Nhìn về thành phố từ nơi xa, đi chợ mua một trái melon ngon ngọt, ngồi sân ga lúc buổi chiều nhìn những kẻ đến và đi. Hít thở cái không khí lạnh lạnh. Cảm giác một nước Pháp bình yên, câm lặng, thanh bình và có phần đơn độc.






Những bông bồ công anh, cúc dại, hoa ngu mỹ nhân vẫn nở ven đường, nơi những bãi đất hoang. Lẩn khuất cả mùi oải hương, màu tử đằng biêng biếc,...Nước Pháp không nhộn nhạo, không tấp nập, đủ cô đơn. 




Cảm giác đủ cô đơn đến độ giấu khéo được cả nỗi cô đơn của bản thân mình vào đấy.

Hòa làm một dòng chảy chung. 

Mà trở thành bình thường.

Bất tận....


"Đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa

Đưa em về dưới mưa, áo em bùn lưa thưa..."





Thứ Tư, 9 tháng 2, 2022

Hết tết...

 

Hôm nay đã là mồng 9 Tết rồi. Chẳng mấy nữa là không còn ai hỏi nhau bữa nay mồng mấy. Là hết Tết.

Ngày 1 Tết 2019  Phố Đinh Công Tráng.

Lần nào cũng vậy, Tết đến và đi thật nhanh, để lại bao tiếc nuối, ngẩn ngơ. Không biết là ngẩn ngơ vì điều gì? Tiếc nuối vì điều gì? Chỉ cảm thấy tự nhiên trong lòng thấy trống trống, hoang mang và luyến tiếc.



Ngày 1 Tết 2021. Phố Đinh Công Tráng.

Nhiều người cho rằng tiếc cho một mùa nghỉ dài nhất năm chóng kết thúc; có khi lại là tiếc nuối cái cảm giác đường phố vắng vẻ, người người ngưng công việc để sống cho gia đình, chúc tụng nhau...Cái gì cũng có lý của nó. Nhưng với tôi, có lẽ tôi tiếc cho cái giây phút giao thừa chóng qua mau.

Năm nay tới 27 Tết tôi mới ngưng việc để về quê đón Tết. Trễ hơn mọi năm. Dịch dã ảnh hưởng mọi thứ, công việc, thu nhập,... những ngày cuối năm cảm giác mong sao Tết đừng tới nữa. Nhưng thời gian trôi đâu ai cản được. Thành phố không nhộn nhịp như mọi năm. Chợ hoa xuân nhiều phần ảm đạm. Các thương lái tứ xứ năm nay không có mặt do tình hình dịch bệnh luôn luôn phức tạp. Cảm giác Tết nay sao thật buồn.

                                     

Mồng 3 Tết 2022 Phố Đinh Công Tráng

30 Tết (tức 29 âm do năm nay thiếu ngày) , làm xong mâm cỗ tất niên cúng bái xong xuôi, hai mẹ con ngược về Hà Nam đón Tết ở quê nội. Ba mươi cái xuân xanh có lẻ rồi, tôi cho tới giờ phút này mới nhận được ra, Tết là gì; ý nghĩa của từ 'đón Tết' mà tôi vẫn hay nói là gì? Sự khác biệt giữa 'đón Tết' và 'ăn Tết' , cái ấm áp, thiêng liêng trong cụm từ 'đón Tết cùng gia đình' .

Tết, thật thiêng liêng. Với tôi, Tết đơn giản là thời khắc, là giây phút giao thừa, chuyển giao năm mới năm cũ. Cái cảm giác đang sống trong thời khắc đất trời giao hòa, cùng với những quan niệm về tín ngưỡng, tôn giáo càng làm cho khoảnh khắc ấy trở nên đặc biệt và linh thiêng hơn. 

Bảo sao, đã là thời khắc thì chẳng qua mau tới vậy. Sống 1 năm hơn ba trăm sáu mươi ngày dài có lẻ để chờ đợi 1 khoảnh khắc, khi qua rồi lại chẳng tiếc ngẩn ngơ hay sao? 

Cái khoảnh khắc 'đón Tết' ấy, khi Tết đang đến và Tết đang đi, tôi đứng giữa sân nhà, giữa đất trời bao la, tim đập, mặt ngửa lên nhìn bầu trời, miệng lẩm bẩm vài lời khấn nguyện mà không biết có tới được những vị thiên quan đang hạ trần để cai quản. Xung quanh, tiếng pháo nổ đì đùng, xì xèo, pháo sáng lập lòe. Tự nhiên, lòng lại bồi hồi nhớ tới những Tết xưa. Thủa mà ai cũng đương còn.

Hơn ba mươi mùa 'đón Tết' , năm nay là năm đầu tiên trong đời tôi không 'đón Tết' ở thành phố. Sau hơn 20 năm, năm nay là năm đầu tiên tôi 'ăn Tết' ở thành phố mùng 2 và mùng 3. Thành phố vẫn vậy, vẫn những con đường cũ. Có nhà cửa đổi thay và con người cũng đổi thay. Người còn người mất, tự cũng thấy Tết buồn đi nhiều.

Mùng 3 ăn hóa vàng nhà ông bà ngoại, bà chị dâu nói 'từ hồi về làm dâu năm nay mới gặp Vương ăn hóa vàng'. Cũng đúng, hơn 20 năm trôi qua rồi mà. Nhưng những kỷ niệm về Tết đã qua, sao còn cứ đọng mãi. 

Tết đã qua rồi. Không phải là hết mùng là hết Tết. Tết đã qua ngay từ khi tiếng pháo hoa đêm giao thừa im bặt. Lại sống thêm hơn 360 ngày nữa chờ đợi 1 khoảnh khắc vụt qua, nhanh như sao đổi ngôi. 

Biết là vậy, sống ngày dài chờ đợi khoảnh khắc là vô nghĩa, nhưng sao lòng không dừng được...