cỏ

cỏ

Thứ Hai, 20 tháng 8, 2018

Gió đang lặng, và cây đang đứng im.

Sáng nay ngủ dậy với đầy uể oải, chợt có phần thần người lại, khi một lần nữa nghe thấy tịnh mịch quanh mình. Thanh âm của cuộc sống trôi dạt đâu xa quá đỗi.



Hôm nay tôi bỗng nhớ cồn cào những con đường của vùng Vandoeuvre-lès-Nancy cùng phía ngoại ô La Sablière của mùa xuân năm ấy. Những con đường quê vùng ôn đới với đầy cỏ xanh và những loài hoa trái dại vào mùa xuân rực nở. Có một mảnh đất hoang có cỏ phủ đầy, trồi lên đấy những bông tulip tươi thắm mọc rải rác mà có lẽ từng một mùa xuân nào đấy tại nơi đây là khu vườn đầy hoa thơm; nay chỉ còn lại những củ tulip nằm sâu dưới mặt đất mỗi năm đến độ lại trồi lên đơm hoa. Có những bậc thang bằng gỗ có màu thời gian để bước lên xuống những triền dốc, cỏ và những bông hoa anh thảo chen lấn nhau. Có những bóng đoạn lá nhỏ rủ xuống lòa xòa trong gió, những bông hoa li ti phả ra mùi hương dịu nhẹ thơm mát. Có những bông hoa thủy tiên, hoa diên vỹ suốt dọc những lối đi. Và cả một mùi hương thoang thoảng của loài oài hương tím biếc. Những con vịt giời lại về bơi lội trên mặt hồ, dưới những bóng cây rẻ quạt. Cây phong lại đâm chồi. Tử đinh hương tím ngắt trong sân ký túc. Những cây mơ, cây mận hoa rực nở một vòm trời mà khi đứng dưới vòm cây ấy, cam giác như thân phận chợt tan biến vào hư không. Trên đôi giày Geox da lộn màu nâu sậm yêu thích mà theo thời gian đã hư mòn đến độ phải vứt bỏ, từng bước chân tôi sải qua những nẻo đường, miệng lẩm nhẩm đôi câu của vài bài hát mà ngày ấy tôi còn đang say đắm: ' Khi xưa em gầy gò, đi ngang qua nhà thờ, trông như con mèo khờ, chờ bàn tay nâng đỡ. Ta yêu em tình cờ, như cơn mưa đầu mùa, rơi trên sân cỏ già, làm rụng rơi cánh hoa.'; 'Đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa. Như mưa đời phất phơ, chắc ta gần nhau chưa?". Tòa lâu đài Montaigu mà phía sau có những bức tượng thiên thần phơi nắng phơi mưa, trong những cơn nắng vàng nhạt đấy, tôi ngẩn ngơ ngắm nhìn. 



Lại nhớ tới cây táo hoang nơi triền dốc cây cầu vượt cạn sai trĩu quả mà ngày nào anh em cùng nhau thu hái những bị đầy mang về, đeo cả những balo hay túi kéo đi chợ để tiện cho chứa đựng, liệu những trái nặng kia có làm cho cành gãy đổ? Còn có ai ra đó mà hái những trái thơm mang về, hay là cứ để chúng rụng rơi xuống mặt đất khô lạnh và đầy những loài sâu đất rỉ rích gặm nhấm đêm ngày? Ngày đó, trên những con đường từ gốc táo dại trở về ký túc bằng ngang qua những con đường tôi chẳng nhớ tên, qua khu trường nội trú dành cho trẻ khiếm thính có những cây lê chi chít quả cứ rụng mà không ai thèm đoái hoài, qua những khu nhà thu nhập thấp cho người da màu với dăm ba câu hát như tự thủa hồng hoang, trong bóng chiều nhá nhem, hai bóng người cứ khuất dần, khuất dần chìm vào trong bóng tối. Trong đó, có tôi. 

Đôi khi, những kỷ niệm một thủa ùa về nhanh như gió bão. Đến rồi đi vô tình. Nhưng lòng người thì thăm thẳm những hố sâu không tên, cứ găm đầy những nỗi nhớ. Những tháng ngày âm u, đang qua và cũng đang thật gần, chỉ còn biết lặng im.

Thứ Năm, 2 tháng 8, 2018

Cây trượng (Le baton des bonzes) ;

Cây thần trượng hay còn gọi là trượng của Địa tạng. Đó là cây trượng của các sư thầy, được họ cầm theo trong các dịp lễ lớn dùng để trừ tà ma.

Truyền truyết kể rằng thân phụ của Địa tạng bị đọa vào địa ngục, con trai họ muốn tìm cách cứu họ ra. Ông đã ẩn sơn, học tập, tụng kinh và tự hành xác mình. Khi mà ông đạt tới cảnh giới cao nhất, ông đã tiến đến cửa địa ngục và gõ cửa ba lần từ bên ngoài bằng cây trượng mang theo. Cây trượng này phía trên đỉnh là một vành tròn bằng đồng được xâu nhiều vành tròn khác cùng kim loại. Cửa địa ngục mở ra và cha mẹ của Địa tạng được ra khỏi đó.

Từ đó trở đi, cuối mỗi dịp Tết hàng năm, các sư thầy tổ chức một buổi lễ mà người ta gọi là lễ "mở cửa địa ngục" nhằm mục đích siêu thoát những linh hồn được cầu tụng hay làm lễ tế sinh trong suốt năm; khi đó để tưởng nhớ tới việc giải cứu cha mẹ khỏi địa ngục của Địa tạng, sư chùa sẽ dùng cây trượng của họ như một nghi thức tôn giáo.

Cây trượng này không khác gì cây trượng Fo (ND - nguyên gốc) của các bồ tát Trung hoa, cây trượng của Đức phật mà vốn dĩ người An nam không rõ về sự tích của nó. Trong Fo-Kouo-Ky có nói thành phố Hi-Lo nằm ở biên giới giữa Afghanistan và vùng đất Do thái, có một cây trượng của Đức phật được đặt trong một ngôi đền đặc biệt lưu trữ thánh vật này. 'Trượng được đặt trên một cái đầu bò bằng gỗ đàn hương, dài 6 đến 7 thước. Người ta đặt nó vào trong một cái ống bằng gỗ mà phải mất cả trăm thậm chí cả ngàn người mới rút ra được."

Cây trượng là một vật bất li thân cho những thầy tu đi hành khất, gọi là cây trượng của đức tin, của sự khôn ngoan, của thanh âm bởi vì âm thanh do những vành kim loại trên đầu trượng va vào nhau tạo thành. Có một loại Sy trương kinh (? ; rituel du bâton) mà được truyền miệng nhau là phải được làm bằng thiếc vì đó là kim loại nhẹ nhât; ở đây ta thấy người ta làm trượng cả bằng đồng, xung quanh những vành tròn được khắc chữ Phạn.

Các thầy chùa cùng các thầy phù thủy đều  đuổi ma quỷ bằng một cây vương trượng bằng đồng; đó là một biểu trưng cho Đại Thế Chí Bồ tát (Vadjrapani), người cầm vương trượng kim cương.

Trong các đám rước, các thầy chùa đi tay cầm cây trượng, phía trước họ  sẽ là trống, mõ, trống cái cùng một số nhạc cụ khác để tạo thành một âm thanh tương đối hỗn độn; đi đầu của đoàn rước đôi khi là một nhạc cụ khá kỳ lạ mà người ta gọi là cái-bàn-nhạc gồm nhiều quả lục lạc. Nó được tạo bởi hai mặt gỗ có chiều dài không tương xứng gối vào nhau. Dọc theo chiều dài, người ta treo thành ba hàng những chiếc lục lạc bằng đồng với đủ kích cỡ cho mỗi mặt gỗ, rồi họ vỗ tấm này vào tấm kia để tạo nên thanh âm hòa cùng với các nhạc cụ khác. 

Nguồn: Les symboles, les emblèmes et les accessoires du cultes chez les annamites, 1891, trang 166.

Con sư tử (Le lion) ;

Ở Bắc kỳ, hình ảnh con sư tử được thể hiện rất nhiều trên nắp đỉnh hương hay trên các cột trụ ở đền, chùa. Đó là một họa tiết trang trí có nguồn gốc từ Trung hoa; một số hình mẫu sư tử của người Khmer (singha) cũng du nhập vào Bắc kỳ và được đón nhận nhiệt tình, tuy nhiên dường như chưa có sự pha trộn nào với hình mẫu sư tử phương Bắc.

Con sư tử luôn thường thấy ở tư thế đang vờn chơi, thân nó uốn cong, đầu nghiêng về một bên, các vuốt đang túm lấy một trái cầu. Nó đeo một quả lục lạc treo trên cổ.

Trong các huyền thoại hay trong các truyền thống địa phương, không có bất kỳ một giai thoại, dấu tích nào về loài vật này, dường như nó không đóng một vai trò nào trong thần thoại An nam.

Các cuốn hán thư thường xuyên nhắc về loài sư tử này, trong cuốn Bản thảo cương mục nói nó là vua của muôn thú, từ đó mà có tên gọi "Sư" nghĩa là thầy.

Dưới triều nhà Hán và nhà Đường, vua các nước lân bang tiến cống sư tử cho hoàng đế Trung hoa nhiều lần liên tiếp mang ý nghĩa tiểu quốc thần phục Thiên quốc.

Một người tên là Ngô Thế Nam viết một bản chuyên khảo về sư tử như sau: "Nó có bộ ngực rộng, đuôi dài, các chi khỏe, bộ lông mượt, bước chân uyển chuyển, nó bước đi không để lại thanh âm; khi vui chí nó quẫy đuôi va duỗi chi trước với cái đầu lắc phải, trái để giữ thăng bằng; khi giận dữ, nó nhe răng, mắt trợn như tia sét, gầm lên như sấm vang."

Ở bờ biển Tứ quốc có một loài sư tử mà tiếng gầm của nó làm yêu ma phải tan biết; răng nó dài, đầu màu đồng còn gương mặt màu của sắt, mắt nó tròn và mõm thì rất dài. (1)

Dưới triều nhà Nguyên, vua Ba Thư (?) dâng một con sư tử cho Tranh Dê(?) để hoàng đế giải trí bởi việc coi con sư tử chiến lại với các loài thú khác. Trong chuồng có hai con hổ đều nằm phủ phục dưới chân sư tử, một con gấu được đưa đến cũng vội tìm chỗ trốn khi ngửi thấy hơi sư tử. Nghe thấy tiếng gầm của sư tử, ngựa cũng đái ra máu. (3)

Dưới triều nhà Tống, vua Tây Vực đã triều cống một con sư tử. Khi đi đến Yên Tây, người ta buộc con sư tử vào một gốc cổ thụ nằm gần một cái giếng, con sư tử gầm một tiếng dài, ngay lập tức mây đen ùn ùn kéo tới, mưa rơi như trút nước, trong giếng có một con rồng cũng bay lên trời mà trốn. (4)

Một thầy tu tên là Than That(?) từ Ấn độ đến Trung hoa, băng ngang qua một khu rừng gần Dai Thang (Đại Đường? -ND) thì nghe thấy một tiếng gầm lớn rồi sau đó muông thú đều bỏ chạy trong hoảng loạn; bốn con voi cách đó không xa vẫn nằm bên đầm lầy với cái vòi cuộn che lấy thân. Thình lình, ba con sư tử đi ra từ sơn động vừa đi vừa nhảy nhót tiến lại, chúng cán nát những cây cỏ ngáng đường chúng qua. Chúng xông vào bốn con voi mà xé xác ra thành từng mảnh.

Một hôm có một người mang đến sân Ngũ Yên (la cour des Ngu-yen) một con thú có đầu hổ chân chó, bộ lông loang màu xanh và đen, không biết nên gọi tên là gì. Người ta cho nó vào chung một chỗ với hổ, gấu và những loài thú hung dữ khác, chúng bắt đầu run rẩy. Con vật lạ kia đánh hơi những con còn lại và đái lên trên đầu chúng. Từ đó mà người ta đặt và gọi loài sư tử là một loài đặc biệt.(5)

Luc-Khay(?) ốm đau với cơn sốt đã vẽ lên cửa nhà một con sư tử rồi trở lại giường nằm.Đêm đó, ông nghe thấy tiếng động lạ trước cửa nhà, tưởng đâu là lũ trâu trọi nhau. Buổi sáng hôm sau ngay khi mở cửa. ông nhận thấy con sư tử được vẽ trên vách có mõm bị vấy máu. Cơn sốt cũng qua và không bao giờ quay trở lại nữa.

Cuốn sách Bát vật chí viết rằng nếu dùng đuôi sư tử để quạt mát, muỗi sẽ biến mất theo.

Học giả biên Kỳ Văn khẳng định rằng có loài sư tử màu xanh và có những loài màu trắng, chúng khỏe hơn rất nhiều so với loài sư tử thông thường. Ông thêm rằng sữa của sư tử cái thấm xuyên qua cả những kim loại cứng nhất và chỉ có thể đựng được trong lọ thủy tinh.

Phân của sư tử được dùng làm hương gọi là Tho hơp (?)

Điệu múa rồng được du nhập từ Trung hoa qua Bắc kỳ, đôi khi người ta thêm vào điệu múa này một linh thú khác đóng vai trò kích thích con rồng. Người ta gọi đó là con lân (con sư tử).

Thế nhưng, không có gì là tuyệt đối chính xác. Như trong bài viết khác đã hay, địch thủ của loài rồng là loài hổ, tượng trưng cho mặt trời mùa xuân trong chòm sao Bạch hổ.

(1) Dong quan ky.
(2) Ky Van
(3) Ky van
(4) Kế chích.
(5) Kouang Sư loai.
Nguồn: Les symboles, les emblèmes et les accessoires du cultes chez les annamites, 1891, trang 161.

Thứ Tư, 1 tháng 8, 2018

Ngọc ký (L'étagère) ;

Ở những gia đình khá giả hay trong phủ quan lại, thường thấy một  cái kệ nhỏ được gọi là ngọc ký (kệ hình chữ văn). Ngọc ký có nguồn gốc từ Trung hoa, luôn được trưng bày trên đó năm món đồ theo trình tự ở hình minh họa bên dưới. 

Một bầu bằng đồng hoặc gốm sứ men chàm để đựng rượu. Bầu rượu.

Một lọ hoa cổ cao để cắm hoa.

Một lư hương không chân hoặc ba chân.
Một ống cắm bút.

Một đĩa bồng (đĩa ngũ quả) được bày năm loại quả mang tính biểu tượng : đào , nho, mơ, hạt dẻ, táo nhưng bởi sự khan hiếm của những loại quả này ở Bắc kỳ, người ta thường bày những loại quả mang hương thơm như trái cam hay quả Phật thủ.

Việc trưng ngọc ký trong gia đình có ý nghĩa về mặt tín ngưỡng. Ngọc ký là một bàn lễ vật mà trên đó người ta xếp những món đồ của đất, nước, hoa trái ; những điều khởi phát từ loài người, triết học và văn học được tượng trưng bởi ngòi bút lông, còn lư hương tỏa khói bay lên trời tượng trưng cho những lời cầu nguyện.

Nguồn: Les symboles, les emblèmes et les accessoires du cultes chez les annamites, 1891, trang 159.

Bát tiên (Les huit Génies) ;

Bát tiên là tám vị tiên trong Lão giáo mà người An nam dùng hình ảnh đó rất thường xuyên làm đồ án trang trí cùng với tứ linh, ngũ phúc,...Tám vị tiên mỗi vị mỗi vẻ khác nhau; lưu ý là đứng đầu là Lão Quân (Lao ste) người sáng lập ra Lão giáo, ngồi trên lưng một con trâu. Tám vị tiên bao gồm : 1. Lã Động Tân đứng trên lưng một con cá -  2. Thiết Quải Lý ngồi trên một chiếc lá, tay cầm trượng - 3. Hán Chung Li (ND - sách chép là Chung li quyên) đứng trên một con cua - 4. Tào Quốc Cữu đứng trên một nhành cây - 5. Trương Qủa Lão ở trên lưng ngựa - . Lam Thái Hòa đứng trên một con có ba chân (thiên thú) - 7. Hàn Tương Tử cưỡi một con tôm, đang thổi sáo - 8. Hà Tiên Cô, nữ nhân duy nhất, đứng trên một cánh sen, một tay ôm trái đào, một tay cầm lẳng hoa.

Tám vị tiên được thể hiện trên các bức tranh ở thần thái vui vẻ, hạnh phúc. Đôi khi, xuất hiện thêm Tây Vương Mẫu (sách chép Tây Hoàng Mẫu), một người phụ nữ có tuổi ngồi trên lưng một con cò, bà là "người cai quản phương Tây". Theo những người An nam theo đạo lão giáo, phía tây của thế giới do Tây Vương Mẫu cai quản, bà tạo ra đàn bà, cũng như Đông Vương Công được giao việc tạo ra đàn ông. Trong cung điện của họ là một đỉnh tháp có chín viên bảo ngọc, mỗi viên là nơi trú cho một tiên cô lần lượt là: Hoa, Lâm,Mi, Lau, Thang, Nga, Dao, Cơ, Ngọc chi.

Nguồn: Les symboles, les emblèmes et les accessoires du cultes chez les annamites, 1891, trang 158.

Lư hương (Les vases de culte) ;

Việc sản xuất và buôn bán đỉnh hương, lọ thờ phát triển tạo thành một ngành thương mại quan trọng với số lượng thợ thủ công và con buôn lớn ở Hà Nội. Một ngôi làng khép kín rất lớn tọa trên một hòn đảo ở Hồ Tây, gần đền Quán Thánh hoàn toàn làm ngành nghề này. Có cả một con phố chuyên bán đồ đồng.

Mỗi một ban thờ cần được trang bị một bộ đồ thờ mà người ta gọi là đồ ngũ sự. Chúng bao gồm:
1. Đỉnh hương
2. Hai chân đèn
3. Một cặp chân nến
4. Hai ống cắm hương
5. Ba chén nước thờ được đặt trên đế.

Hình dáng lọ ít có sự khác biệt, người ta đếm được khoảng một tá mẫu khác nhau nhưng chung quy lại chỉ có ba mẫu thường gặp trong tất cả các chùa mà hoàn toàn phù hợp cho các buổi lễ.

Đỉnh hương vuông là loại có bốn chân, trên nắp có một con lân, có hai phụ kiện đi kèm theo; ống thìa dài hình buông dùng để cắp đôi đũa giống (bâtonnets de cuivre) và một casixucs nhỏ để xúc tro để cều lửa trong đỉnh hương; lọ thứ hai được đậy nắp, đôi khi nắp được làm rất tỉ mỉ, nó dùng để chưa hương, gọi là Hộp hương.



Lư hương tròn thì có ba chân, không có nắp đậy. Nó được lấp đầy bởi tro để làm nơi cắm que hương.

Trong các ngôi chùa Trung hoa, lư hương có một kích thước vô cùng lớn, điển hình thấy như trong Hội quán Quảng đông ở Hà Nội.

Vạc ba chân mang tính biểu trưng cao; ở Trung quốc nó tượng trưng cho tam quốc, ba quốc gia cùng tương hỗ nhau.

Dưới thời vua Cao Tông triều Đường, An nam Đô hộ phủ (1) là một trong ba vùng kết hợp mà người ta thường gọi là ba chân vạc. Đầu tiên là vùng quân sự Giao Châu nằm ở Long Biên, ngoại ô Hà Nội, tiếp đến là thủ phủ hành chính Quế Lâm mà ngày nay là một phần của tỉnh Quảng Tây, cuối cùng là nơi vua ngự, Phiên Ngung (番禺区)hay Quảng Châu ngày nay. Ba vùng này trên thực tế tạo thành 3 đỉnh của một tam giác.

Ở Bắc kỳ người ta phát hiện những dấu tín biểu tượng cổ đại này trong niềm tin, tín ngưỡng của tộc người Mường, tộc người đã duy trì các phong tục và cách thức tổ thức chính quền người giàu làm chủ; người ta nói ở tộc Mường bi sống ở sông Đà, có dòng họ Đinh vẫn còn lưu giữ cái vạc lớn to  đến mức có thể thui ba con trâu cùng lúc trên nó.

Đỉnh tròn cũng là mội loại đỉnh hương có ba chân nhưng hình tròn, phía trên nắp có một con sư tử, thường đi với hai cây chân nến bằng đồng tạo một bộ tam sự.

Đối với bàn thờ thần linh, bắt buộc phải có moojtt bộ thờ bao gồm: một đỉnh hương vuông không nắp, hai lọ trang trí và hai chân nến, tất cả làm bằng thiếc được gọi là bộ ngũ sự bằng thiếc. Một số đền chùa có điều kiện eo hẹp thì chỉ có những bộ đồ thờ này bằng gỗ nhưng hình dáng cách thức thì không được thay đổi, các lọ được phủ bởi một lớp giấy mạ thiếc sơn thiếp.

Ta cũng bắt gặp những bình hình quả đào, quả hạnh, quả lựu với sự tượng trưng cho Phúc, Thọ. Một số vật dụng khác nằm rải rác đó đây đang ngày một trở nên khan hiếm hơn cho thấy một số thời kỳ mà nghệ thuật đồ đồng ở An nam phát triển rực rỡ; người ta nhận thấy ở những món đồ đó, xuất xứ cũng như những đồ án trang trí mà ngày nay không còn thấy nữa.

Chỉ cần một chút hiểu biết, bằng mắt thường ta cũng có thể nhận ra được đồ đồng Trung hoa. Chúng là những món đồ rất cổ được phủ một lớp gỉ mỏng, trước đây được đặt làm bởi những nhà giàu có tiến cống cho các đền chùa mà ngày nay đã không còn tồn tại nữa nên những vật dụng trong đó trở thành của công thất lạc vào trong dân gian. Những món đồ này lọt tới thị trường Hà Nội, một số món được làm nhái lại nguyên mẫu.



Ngày nay, người thợ thường đúc ba tới bốn mẫu thông dụng kể trên cùng một số mẫu đặc biệt phần lớn được đặt bởi những khách hàng a-ma-tơ người Âu châu. Có rất ít những sản phẩm tinh xảo do quá trình đúc không tuyệt đối chính xác hoặc do sự va chạm, cọ sát lẫn nhau làm các hoa văn, nét chìm nổi có phần nhòe mờ. Dũa và dao khắc không được biết tới ở đây để đọc trạm sản phẩm. Họ mài chúng vào những phiến đá mài hay chà sát sản phẩm bằng cát ẩm trộn với gio bếp để tạo độ sáng bóng cho đồ đồng.

Người An nam sản xuất nhiều món đồ nhái theo lối cổ để lừa những người mua a-ma-tơ từ Âu châu với mức giá cao hơn tới 15 lần bằng cách cố tình tạo sứt mẻ hay ngâm vào một loại dung dịch đặc biệt để tạo một lớp gỉ đồng mỏng.


(1) ND - An Nam đô hộ phủ (chữ Hán: 安南都護府) là tên gọi Việt Nam thời Bắc thuộc lần 3, từ năm 679 đến năm 866, với bộ máy cai trị của nhà Đường trên vùng tương ứng với một phần tây nam Quảng Tây (Trung Quốc), Miền Bắc và miền Trung Việt Nam ngày nay, có địa bàn từ Hà Tĩnh trở ra. 
Đô hộ phủ (chữ Hán: 都護府) là các cơ quan quản lý các khu vực biên giới của một số triều đại phong kiến Trung Quốc.

Nguồn: Les symboles, les emblèmes et les accessoires du cultes chez les annamites, 1891, trang 152.