cỏ

cỏ

Thứ Năm, 24 tháng 2, 2022

Những con đường nhỏ, những lối đi nhỏ.

 Hôm nay ngồi lại, tự nhiên mình thấy nhớ nước Pháp kinh khủng.

Mình nhớ những chiều cuối tuần thảnh thơi có nắng ấm, mình tản bộ từ ký túc về phía ngoại ô thành phố. Nơi đó không có quá nhiều nhà cửa, quán xá. Sẽ có thật nhiều những hàng cây xanh rung rinh trong gió, những con đường nhỏ trải dài rơi đầy những lá khô mà có lẽ vài ngày hay 1 tuần mới có người đi dọn. Người và xe cộ cũng sẽ vắng hơn. Mọi thứ không náo nhiệt, ồn ào. Chỉ có câm lặng, và tiếng gót giày dẫm lên từng chiếc lá vàng khô.

 Có một chiều mình cùng anh Đồng, cũng là người Việt ở chung ký túc đã đi như thế. Hai anh em đi qua cả những khu phố của người da màu ở ngoại ô, nơi có tiếng nói cười khanh khách. Ra tới rìa ven thung lũng, nơi có cây táo dại mà cả hai cùng vui vẻ hái về ăn. Cây còn sai quả lắm, nhưng ở mãi trên cao nên chẳng thể nào hái hết được. Nhưng ai cũng nói cười đầy mãn nguyện, kéo một làn táo đầy trở về ký túc trong ánh chiều buông nhạt nhòa.

Có những ngày mình lang thang ra phía xa xa, nhìn những thảm cỏ mùa xuân xanh mướt, nơi có những bông thạch thảo, tuy lip, bạch đầu ông, diên vĩ dại thi thoảng nở hoa. Những ven đường nào là cúc dại trắng ngần, bồ công anh vàng ươm xinh tươi. Mọi thứ đều đầy sức sống, bởi thiếu vắng hình bóng của con người. Ở đó chỉ có nắng, gió, cái lạnh và sự tĩnh mịch. Giữa tĩnh mịch đó, vạn vật đều sinh sôi. Mình vừa đi vừa nhẩm hát mấy bài hát quen thuộc "Em hiền như ma soeur", "Hai năm tình lận đận", "Chỉ chừng đó thôi", và đếm chậm rãi từng nhịp bước chân. Mình đến nơi lâu đài nọ, nơi có những con đường rải sỏi. Nơi có nhiều nắng và bóng người hơn. Có hồ nước và những con vịt trời bơi lội. "Vào mùa đông, khi mặt nước đóng băng, bầy vịt ấy sẽ đi đâu". Câu văn trong "Bắt trẻ đồng xanh ấy" lần nào cũng văng vẳng trong đầu.

Có mùa sang xuân, những cây hoa anh đào nở rộ, Cánh hoa anh đào bay bay theo từng cơn gió, thật nhiều, thật nhiều. Mình đã đứng dưới gốc cây anh đào, mường tượng như mình chìm nghỉm trong màn hoa ấy. Cảm tưởng như mình biến mất. Tươi cười.

Nước Pháp xinh đẹp, với những buổi sớm mai trầm mặc. Nhìn về thành phố từ nơi xa, đi chợ mua một trái melon ngon ngọt, ngồi sân ga lúc buổi chiều nhìn những kẻ đến và đi. Hít thở cái không khí lạnh lạnh. Cảm giác một nước Pháp bình yên, câm lặng, thanh bình và có phần đơn độc.






Những bông bồ công anh, cúc dại, hoa ngu mỹ nhân vẫn nở ven đường, nơi những bãi đất hoang. Lẩn khuất cả mùi oải hương, màu tử đằng biêng biếc,...Nước Pháp không nhộn nhạo, không tấp nập, đủ cô đơn. 




Cảm giác đủ cô đơn đến độ giấu khéo được cả nỗi cô đơn của bản thân mình vào đấy.

Hòa làm một dòng chảy chung. 

Mà trở thành bình thường.

Bất tận....


"Đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa

Đưa em về dưới mưa, áo em bùn lưa thưa..."





Thứ Tư, 9 tháng 2, 2022

Hết tết...

 

Hôm nay đã là mồng 9 Tết rồi. Chẳng mấy nữa là không còn ai hỏi nhau bữa nay mồng mấy. Là hết Tết.

Ngày 1 Tết 2019  Phố Đinh Công Tráng.

Lần nào cũng vậy, Tết đến và đi thật nhanh, để lại bao tiếc nuối, ngẩn ngơ. Không biết là ngẩn ngơ vì điều gì? Tiếc nuối vì điều gì? Chỉ cảm thấy tự nhiên trong lòng thấy trống trống, hoang mang và luyến tiếc.



Ngày 1 Tết 2021. Phố Đinh Công Tráng.

Nhiều người cho rằng tiếc cho một mùa nghỉ dài nhất năm chóng kết thúc; có khi lại là tiếc nuối cái cảm giác đường phố vắng vẻ, người người ngưng công việc để sống cho gia đình, chúc tụng nhau...Cái gì cũng có lý của nó. Nhưng với tôi, có lẽ tôi tiếc cho cái giây phút giao thừa chóng qua mau.

Năm nay tới 27 Tết tôi mới ngưng việc để về quê đón Tết. Trễ hơn mọi năm. Dịch dã ảnh hưởng mọi thứ, công việc, thu nhập,... những ngày cuối năm cảm giác mong sao Tết đừng tới nữa. Nhưng thời gian trôi đâu ai cản được. Thành phố không nhộn nhịp như mọi năm. Chợ hoa xuân nhiều phần ảm đạm. Các thương lái tứ xứ năm nay không có mặt do tình hình dịch bệnh luôn luôn phức tạp. Cảm giác Tết nay sao thật buồn.

                                     

Mồng 3 Tết 2022 Phố Đinh Công Tráng

30 Tết (tức 29 âm do năm nay thiếu ngày) , làm xong mâm cỗ tất niên cúng bái xong xuôi, hai mẹ con ngược về Hà Nam đón Tết ở quê nội. Ba mươi cái xuân xanh có lẻ rồi, tôi cho tới giờ phút này mới nhận được ra, Tết là gì; ý nghĩa của từ 'đón Tết' mà tôi vẫn hay nói là gì? Sự khác biệt giữa 'đón Tết' và 'ăn Tết' , cái ấm áp, thiêng liêng trong cụm từ 'đón Tết cùng gia đình' .

Tết, thật thiêng liêng. Với tôi, Tết đơn giản là thời khắc, là giây phút giao thừa, chuyển giao năm mới năm cũ. Cái cảm giác đang sống trong thời khắc đất trời giao hòa, cùng với những quan niệm về tín ngưỡng, tôn giáo càng làm cho khoảnh khắc ấy trở nên đặc biệt và linh thiêng hơn. 

Bảo sao, đã là thời khắc thì chẳng qua mau tới vậy. Sống 1 năm hơn ba trăm sáu mươi ngày dài có lẻ để chờ đợi 1 khoảnh khắc, khi qua rồi lại chẳng tiếc ngẩn ngơ hay sao? 

Cái khoảnh khắc 'đón Tết' ấy, khi Tết đang đến và Tết đang đi, tôi đứng giữa sân nhà, giữa đất trời bao la, tim đập, mặt ngửa lên nhìn bầu trời, miệng lẩm bẩm vài lời khấn nguyện mà không biết có tới được những vị thiên quan đang hạ trần để cai quản. Xung quanh, tiếng pháo nổ đì đùng, xì xèo, pháo sáng lập lòe. Tự nhiên, lòng lại bồi hồi nhớ tới những Tết xưa. Thủa mà ai cũng đương còn.

Hơn ba mươi mùa 'đón Tết' , năm nay là năm đầu tiên trong đời tôi không 'đón Tết' ở thành phố. Sau hơn 20 năm, năm nay là năm đầu tiên tôi 'ăn Tết' ở thành phố mùng 2 và mùng 3. Thành phố vẫn vậy, vẫn những con đường cũ. Có nhà cửa đổi thay và con người cũng đổi thay. Người còn người mất, tự cũng thấy Tết buồn đi nhiều.

Mùng 3 ăn hóa vàng nhà ông bà ngoại, bà chị dâu nói 'từ hồi về làm dâu năm nay mới gặp Vương ăn hóa vàng'. Cũng đúng, hơn 20 năm trôi qua rồi mà. Nhưng những kỷ niệm về Tết đã qua, sao còn cứ đọng mãi. 

Tết đã qua rồi. Không phải là hết mùng là hết Tết. Tết đã qua ngay từ khi tiếng pháo hoa đêm giao thừa im bặt. Lại sống thêm hơn 360 ngày nữa chờ đợi 1 khoảnh khắc vụt qua, nhanh như sao đổi ngôi. 

Biết là vậy, sống ngày dài chờ đợi khoảnh khắc là vô nghĩa, nhưng sao lòng không dừng được...